Cháo ấu tẩu, Món ăn độc đáo xứ Tuyên
Thứ sáu, ngày 21/04/2017 - 10:00
Cháo ấu tẩu ở Tuyên Quang được làm từ nguyên liệu là củ ấu tẩu - một loại củ có độc tính cao nhưng qua cách chế biến tài tình của đồng bào miền núi, nó trở thành món ăn có ích cho sức khỏe.
Tuyên Quang nằm cách Thủ đô Hà Nội 150km về phía Bắc, nơi bạn có thể hòa mình vào với núi rừng và cảm nhận hơi thở của thiên nhiên trong từng làn gió mát hay hương vị đặc trưng của các món ăn độc đáo miền sơn cước. Nơi đây còn có nhiều ngọn núi cao và những cánh rừng rộng lớn, chủ yếu là rừng nguyên sinh với rất nhiều cây gỗ quý và hơn 1.000 loại thuốc quý hiếm. Trong đó có củ ấu tẩu không chỉ dùng làm vị thuốc mà còn được người dân nơi đây chế biến thành một món ăn độc đáo: Cháo ấu tẩu.
Củ ấu tẩu còn có tên gọi là ô đầu và phụ tử, củ ấu tẩu thường mọc ở vùng núi cao, khí hậu lạnh. Theo y học ấu tẩu có vị cay tê, tính nóng, có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Từ lâu đồng bào dân tộc ở vùng cao đã biết dùng củ ấu tẩu ngâm xoa bóp chân khi đau nhức hoặc chữa cảm gió rất hiệu quả. Bát cháo ấu tẩu ban đầu chỉ được biết đến như món cháo giải cảm của đồng bào dân tộc vùng cao. Sau này, người dân thành phố đã thêm một số gia vị, phụ gia khác, nấu thành món cháo "đặc sản" của miền núi, ăn ngon miệng lạ lùng.
Món cháo ấu tẩu Tuyên Quang
Bản chất củ ẩu tấu rất độc, muốn giảm bớt độc tính phải có bí quyết. Thông thường người ta ngâm kỹ ấu tẩu trong nước vo gạo một đêm, rửa sạch đem ninh cho tới khi mềm. Củ ấu tẩu phải nấu trong 12 giờ để củ bở tơi thành thứ bột đặc sền sệt. Bột củ ấu tẩu được nấu lẫn gạo và nước dùng ninh từ chân giò lợn. Phải nấu lâu như vậy là để khử độc tố có trong củ ấu. Đồng bao vùng cao thường chọn gạo tẻ, nếp cái trồng trên nương ninh với chân giò lợn trong 4 tiếng… qua một số công đoạn công phu mới có được bát cháo ấu tẩu hoàn hảo. Cuối cùng khi bắc ra đập trứng gà, cho thêm ớt, tiêu, hành, rau mùi và tía tô tăng thêm tác dụng giải cảm của bát cháo. Người dân trong vùng thường gọi vui là món “Cháo độc dược” nhưng thực tế khi được chế biến thành cháo, ăn vào không chết người mà còn có ích cho sức khỏe.
Cháo nấu xong mang sắc nâu đậm, nhìn giống bát cháo lòng của người miền xuôi, vị bùi, béo và thơm đặc biệt. Vì là vị thuốc nên đặc trưng của cháo ấu tẩu là vị đắng như tam thất. Tuy nhiên cái đắng hòa cùng miếng ấu tẩu bùi, dẻo, quyện với cái ngọt của nước xương ninh và thơm ngậy của trứng đọng lại thành hương thơm, vị ngọt ngào trong cổ, tạo cảm giác lạ miệng và hấp dẫn
Cháo ấu tẩu có cả bốn mùa nhưng đặc biệt chỉ bán vào buổi tối. Bởi lẽ theo kinh nghiệm lâu năm của những người dân ở đây cháo có tác dụng tốt nhất qua giấc ngủ đêm. Với nhiều người dân ở thành phố vùng cao này cháo ấu tẩu là món ăn đêm thường nhật. Tối tối khi nhà nhà lên đèn cũng là lúc hàng cháo ấu tẩu tấp nập khách ra vào. Đó có thể các bác luống tuổi ăn cháo để bồi bổ xương cốt, là khách đi chơi khuya, là dân buôn bán tứ xứ… nhưng dù là đối tượng nào bát cháo ấu tẩu cũng như vị thuốc thần giúp xoa tan mệt nhọc của một ngày để có một giấc ngủ sâu và khoan khoái hơn./.
Phạm Hương