Thôn Tân Cường xã Tân An, huyện Chiêm Hóa có 03 điểm tham quan trải nghiệm (02 điểm tham quan trải nghiệm thêu, dệt, chấm sáp ong dân tộc Dao tiền; 01 điểm tham quan, mua sắm sản phẩm thủ công dân tộc Tày). Đến đây du khách sẽ được tham quan những sản phẩm thổ cẩm được dệt, thêu bằng tay và được trải nghiệm chấm, in hoa văn bằng sáp ong, thêu tay, dệt thổ cẩm của người Dao tiền; mua sắm những sản phẩm được làm thủ công truyền thống rất độc đáo của dân tộc Tày, Dao tiền; thưởng thức các tiết mục văn nghệ như: Hát then, đàn tính; hát páo dung, múa dao… và thưởng thức ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc nơi đây
(Người phụ nữ Dao tiền chăm chỉ thêu tay truyền thống)
ĐẶC SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC DAO TIỀN
Người Dao ở huyện Chiêm Hoá có số dân đông thứ hai trong các dân tộc anh em (chiếm trên 11% dân số toàn huyện) với các ngành dao: Dao đỏ, Dao tiền, Dao áo dài, Dao thanh y.... Người Dao Tiền tại thôn Tân Cường, xã Tân An, huyện Chiêm Hoá có 39 hộ với 205 khẩu (thời điểm tháng 12/2024), Người Dao nơi đây còn lưu giữ được văn hoá truyền thống độc đáo từ trang phục, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống …tạo nên sự đa dạng phong phú trong nền văn hoá Việt Nam.
Người Dao sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, ngô trên nương rẫy và các thửa ruộng, có nghề thủ công, kết hợp với chăn nuôi.
Đời sống văn hóa tinh thần của người Dao rất phong phú thể hiện qua các lễ hội truyền thống và các phong tục tập quán lâu đời từ ngôn ngữ, chữ viết, truyện, thơ, tục ngữ, dân ca, dân vũ và các lễ tục được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiêu biểu là Lễ cúng Bàn Vương, Lễ Cấp sắc.
Trong đời sống văn hoá, hát Páo Dung là một báu vật văn hóa của dân tộc Dao, thể hiện tâm tư, tình cảm và ước vọng của người Dao trong cuộc sống; người Dao có rất nhiều chuyện cổ tích kể về mọi hiện tượng xảy ra trong xã hội, thiên nhiên, các câu chuyện đều mang tính giáo dục sâu sắc, anh em phải sống hòa thuận - yêu thương nhau. Nghề thêu truyền thống có từ lâu đời, được duy trì bởi những người phụ nữ chăm chỉ và cần mẫn với những kỹ thuật thêu thùa các hoa văn như: Cây thông, hình con chim, con người… Ngoài ra người Dao tiền còn có kỹ thuật chấm hoa văn trên vải bằng sáp ong vô cùng độc đáo với các hoa văn hình học, đồng xu, kẻ ngang, sóng nước, tứ giác và một số họa tiết khác. Tất cả các hoạ tiết đều truyền tải những bản sắc văn hoá độc đáo và mong muốn của người Dao trong cuộc sống sinh hoạt. Trong các nhóm Dao, duy nhất nhóm Dao tiền là mặc váy. Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền với màu sắc chủ đạo là màu chàm, trắng, in sáp ong vẽ trang trí. Trang phục gồm: Khăn vấn đầu, áo dài, yếm, dây lưng, váy, chân quấn xà cạp, phụ kiện đi kèm là túi đựng trầu, trang sức bằng bạc...; trang phục của nam giới, thường là chiếc áo ngắn, xẻ ngực, cài cúc trước ngực.
Ẩm thực của người Dao đa dạng, phong phú, mang hương vị độc đáo núi rừng: Thịt trâu, thịt lợn gác bếp, thịt lợn luộc cả con, rượu ngô ngâm thảo mộc, bánh trôi nước…
(Nghề dệt vải được lưu giữ tại thôn Tân Cường, xã Tân An)
NGHỀ DỆT VẢI TRUYỀN THỐNG
Nghề dệt thổ cẩm gắn liền với cuộc sống, văn hóa truyền thống người Dao Tiền; dệt vải thủ công với nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ nên cần có sự kiên nhẫn và khéo léo từ đôi bàn tay của người phụ nữ mới có thể làm được. Còn người đàn ông trong gia đình sẽ căn chỉnh, sữa chữa khung dệt.
Người Dao tiền trồng bông trên những nương rẫy, những quả bông được mang ra tán, phơi nắng và sau đó se sợi. Việc se sợi đòi hỏi người phụ nữ khéo léo quay tay sao cho đều để tạo ra đường sợi nhỏ, đều và mịn.
(Việc quay sợi đòi hỏi sự khéo léo để tạo ra sợi chỉ nhỏ và mịn)
Dựng thảm chỉ dệt đòi hỏi sự tỉ mỉ với cách giăng sợi đi vòng quanh cột nhà theo chiều dài, cánh tay trái cầm bàn cuộn những sợi chỉ, tay phải túm lấy các sợi chỉ cho thật thẳng đều, lần lượt kéo sợi đi theo chiều dài của cột nhà đã định đến cột cuối cùng kéo đều sợi chỉ đặt vào thảm chỉ đã dựng trước, sau đó lại tiếp tục chạy sợi lần lượt cho tới khi đủ cả chiều dài và chiều rộng của số mét vải đã dự định. Khi dựng thảm chỉ hoàn thành, người giữ cuộn chỉ để cho người khác chải chỉ được thông suốt thẳng đều, chải đến đâu thì người giữ có nhiệm vụ cuộn thảm chỉ vào cho thật chặt, lần lượt như vậy cho đến khi chải hết số sợi đã giăng được cuộn vào trong cuộn là hoàn thành việc dựng thảm chỉ dệt.
(Khung dệt truyền thống của người Dao tiền)
Khung dệt là khung cửi cố định bằng gỗ, khung chiều dài khoảng độ 2m, chiều rộng từ 1m đến 1,2m, đầu dưới là chỗ ngồi của người dệt vải và một đoạn cây gỗ hình tròn bằng bắp tay để cuộn tấm vải đã dệt được, đoạn giữa hai bên khung cửi được dựng thành khung vuông nâng lên cao hơn hai đầu khung dệt, đầu trên cùng là chỗ cuộn thảm chỉ để dệt. Hai bộ phận trên đều tham gia vào việc giữ cho tấm vải trước mặt người dệt thật thẳng.
Sợi được xếp thành hai tầng trên và tầng dưới. Một tầng gồm tất cả các sợi lẻ, tầng còn lại tập hợp tất cả các sợi chẵn. Người dệt lấy bàn chân trái đạp xuống bàn đạp, thì tay phải đưa thoi sang bên trái, còn chân phải đạp xuống bàn đạp thì tay trái đưa thoi sang bên phải; cứ tuần tự đưa thoi từ phải sang trái, từ trái sang phải tuần tự và liên tục đảo vị trí cho nhau, trên xuống dưới, dưới lên; sau mỗi lần đảo, người dệt dùng con thoi nhẹ nhàng luồn qua khoảng cách giữa hai tầng vừa đảo nhằm đưa sợi vào giữa hai lòng thẳm chỉ dọc. Liên tục như vậy, sợi ngang và sợi dọc được đan vào nhau thành mặt vải; cứ tuần tự như vậy cho đến khi dệt vải được hoàn thành; khi dệt thành sản phẩm vải trắng, người Dao Tiền dùng cây chàm để làm thuốc nhuộm vải.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội việc trồng bông, dệt vải bị mai một dần; hiện nay, để duy trì và bảo tồn bản sắc văn hóa huyện Chiêm Hoá đã khôi phục lại nghề dệt vải tại thôn Tân Cường, xã Tân An.
NGHỆ THUẬT IN HOA VĂN TRÊN VẢI BẰNG SÁP ONG
Người Dao tiền tại thôn Tân Cường, xã Tân An đã và đang gìn giữ, truyền dạy các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc, trong đó nổi bật là kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong vô cùng độc đáo; in hoa văn bằng sáp ong trên vải là một kỹ thuật đòi hỏi độ khéo léo, tỉ mỉ, nên công việc này do người phụ nữ thực hiện.
Bộ dụng cụ in sáp ong gồm: Dụng cụ in bằng tre vót mỏng, uốn hình tam giác với kích thước to, nhỏ khác nhau để in hoa văn, lá chít được ép phẳng dùng làm cữ, một phiến đá và hạt vú bò để miết vải cho nhẵn. Dụng cụ đun sáp ong gồm: sọt đựng tro, lò đun, đĩa sắt để đun nóng sáp ong và sáp ong khoái rừng. Sau khi se chỉ, dệt vải, miếng vải lanh trắng được những người phụ nữ dùng đá hoặc hạt vú bò mài nhẵn, mịn và bóng để khi vẽ, sáp ong sẽ không bị thấm, loang trên vải, theo đó, hoa văn cũng không bị nhòe, xấu.
(Miếng vải lanh được mài nhẵn để chuẩn bị in sáp ong)
Công đoạn in sáp ong đòi hỏi kỹ thuật và sự khéo léo; khi đun sáp ong, phải canh lửa thật vừa phải, để tránh in họa tiết không bị nhòe hoặc không dính lên vải. Khi sáp ong đủ độ, sử dụng khuôn tre hình tam giác, chấm xuống in họa tiết lên vải. Những họa tiết trang trí được người Dao Tiền sử dụng chủ yếu là hoa văn hình học, đồng xu, kẻ ngang, sóng nước, tứ giác và một số họa tiết khác được trang trí trên váy, đều mang ý nghĩa về cuộc sống, thể hiện niềm mong ước về sự thịnh vượng, cuộc sống no đủ, tốt đẹp; sau khi các hoa văn được trang trí tỉ mẩn, còn phải chờ thêm một thời gian nữa để sáp ong khô, mới có thể đem tấm vải đi nhuộm chàm.
(In sáp ong trên vải đòi hỏi kỹ thuật khéo léo)
Sau khi thu hái lá tràm, ủ lá, ngâm cao chàm; vải in sáp ong được nhuộm chàm và thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần mới cho ra màu đậm và đều; nhờ có sáp ong kết dính, nên những phần hoa văn trang trí sẽ không bị ngấm chàm mà giữ được màu trắng nguyên bản; tấm vải sau khi phơi thật khô, sẽ được đem luộc với nước sôi, sáp ong gặp nhiệt độ cao sẽ tan ra để lộ các hoa văn màu trắng và màu không phai. Kỹ thuật in hoa văn trên vải của đồng bào dân tộc Dao tiền là một nét văn hóa độc đáo đang được bảo tồn và phát huy.
SẮC CHÀM TRUYỀN THỐNG TẠI TÂN CƯỜNG, XÃ TÂN AN
Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dao tiền không chỉ đẹp bởi những hoa văn, hoạ tiết được thêu tỉ mỉ mà còn rất đặc sắc khi được chấm sáp ong và nhuộm chàm.
(Bà Bàn Thị Giàng, thôn Tân Cường hướng dẫn cách nhuộm chàm truyền thống)
Nhuộm chàm là công việc khá tỷ mỉ, đòi hỏi phải kiên trì và dày dạn kinh nghiệm; cây chàm thường được trồng vào tháng 3-4, thu hoạch tháng 6-7, cây chàm khi cắt đêm về ngâm trong chum, vại; khi lá chàm nát ngấm thì vớt ra bỏ bã, nước chàm được lọc kỹ qua một cái rá đựng chấu, sau đó cho vôi vào nước khuấy đều, cho nhiều hay ít vôi tuỳ thuộc vào lượng nước chàm; ngoài vôi còn có tro bếp, tro được đựng trong cái rổ có lót lá chuối, đổ nước vào chảy xuống chum nhỏ và để từ 3-5 ngày rồi trộn với nước vôi ngâm chàm và để lắng; khi nào thấy nước có màu nâu nhạt thì gạn đi để lấy phầm chàm và vôi lắng ở dưới chum, đó chính là cao chàm; khi nhuộm vải lấy cao chàm hoà với nước đun với lá ngải cứu để nguội, pha thêm ít nước tro rồi khuấy đều, khi pha xong lấy tay nhúng vào nước chàm thấy da tay có có màu xanh chàm là được.
(Người phụ nữ Dao tiền tại thôn Tân Cường, xã Tân An phơi vải đã nhuộm chàm)
Người dao tiền thường nhuộm chàm vào tháng 7-8, vì thời gian này trời nắng vải nhanh khô và bắt màu tốt; khi nhuộm cho vải chìm trong nước chàm để vải thấm nước chàm đều, công đoạn này phải làm nhiều lần (ngày phơi nắng, đêm ngâm chàm) sẽ tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, có màu xanh thẫm; đây cũng là công đoạn cuối cùng trong kỹ thuật nhuộm chàm của người dao tiền.
THÊU TAY TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC DAO TIỀN
Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc không đơn thuần là hình ảnh để phân biệt với các dân tộc khác mà còn lưu giữ giá trị văn hóa đặc trưng riêng của dân tộc đó; người Dao tiền cũng vậy, họ vẫn giữ thói quen tự may trang phục và mặc trang phục truyền thống trong tất cả các dịp lễ hội, đi chợ hay trong lễ truyền thống, lễ cấp sắc...
(Người phụ nữ Dao tiền thôn Tân Cường, xã Tân An cần mẫn thêu tay truyền thống)
Để có một bộ trang phục ưng ý, cần phải trải qua nhiều công đoạn như trồng bông, se sợi, dệt vải, nhuộm lá đến cắt may, thêu thùa... và hoàn thiện một bộ trang phục, đặc biệt là trang phục cô dâu mất gần một năm chuẩn bị; cầu kỳ nhất là công đoạn thêu thùa; với đôi bàn tay khéo léo hoa văn, họa tiết trên trang phục đã tạo nên những điểm nhấn riêng biệt cho trang phục phụ nữ Dao tiền.
(Nghề thêu được đồng bào nơi đây giữ gìn và phát huy)
Công đoạn thêu tay được làm rất tỉ mẩn và cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ do phải thêu tay rất nhiều họa tiết hoa văn; kỹ thuật thêu hoa văn của người Dao cũng rất phức tạp, thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ. Họa tiết thêu trên váy áo của người phụ nữ dân tộc Dao Tiền là những họa tiết về cỏ cây, hoa lá, cánh chim, ruộng bậc thang, dấu ấn bàn vương..., thể hiện nét sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người Dao tiền đánh giá vẻ đẹp của phụ nữ qua khả năng thêu, dệt và may trang phục; vì vậy trước khi về làm dâu, cô gái bao giờ cũng có vài bộ váy áo làm của hồi môn.
Nếu như trước đây, để có sản phẩm thêu thổ cẩm phải trải qua các công đoạn chính, gồm: trồng đay, tuốt lanh, se sợi, dệt vải, nhuộm vải rồi thêu, thì giờ đây, theo nhịp sống hiện đại nghề trồng đay, tuốt lanh, se sợi, dệt vải đã không còn; phụ nữ Dao tiền thường ra chợ mua vải, mua chỉ về thêu váy áo của mình; chỉ có những người phụ nữ lớn tuổi mới biết kỹ thuật tuốt lanh, se sợi, dệt vải.
(Hoạt động trải nghiệm tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc của các học sinh trên địa bàn xã Tân An)
Để nét đẹp văn hóa của dân tộc không bị mai một trước nhịp sống hiện đại, những người phụ nữ ở thôn Tân Cường xã Tân An huyện Chiêm Hoá đã chú trọng truyền dạy nghề thêu váy áo truyền thống cho thế hệ con cháu. Người già dạy cho người trẻ, người biết nhiều dạy cho người chưa biết. Vì vậy, hiện nay phụ nữ trẻ tuổi trong thôn đã tích cực hơn trong việc học thêu váy áo của dân tộc mình. Nhiều chị em mặc dù mới học nhưng cũng muốn tự tay làm cho mình bộ trang phục của dân tộc thật đẹp để mặc vào các dịp lễ, hội.
(Người phụ nữ dân tộc Tày múa truyền thống đón khách du lịch)
BẢN SẮC VĂN HÓA ĐỘC ĐÁO CỦA NGƯỜI TÀY
Người Tày chiếm số lượng đông nhất trên địa bàn huyện Chiêm Hoá (chiếm trên 67% dân số toàn huyện) và cũng là dân tộc cư trú lâu đời nhất ở Chiêm Hoá. Người Tày thường định cư trong các thung lũng, làm ruộng nước, nương rẫy và sống thành bản làng; nhiều năm sinh sống ở huyện Chiêm Hoá, họ đã xây dựng và gìn giữ cho dân tộc mình một nền văn hóa phong phú, độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều nét tinh hoa với các hình thức diễn xướng dân gian đặc sắc như hát then, đàn tính, Sli, lượn, Phong Slư, quan làng...
Sự phong phú, độc đáo trong văn hóa dân tộc Tày nơi đây còn được thể hiện trong mọi mặt của đời sống hàng ngày từ trang phục, nhà ở, ẩm thực đến lao động sản xuất và các nghi thức trong phong tục tập quán. Trang phục truyền thống của người Tày được làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục nam và nữ, hầu như không có hoa văn trang trí; nhà ở thường là nhà sàn truyền thống được làm từ gỗ, tre, nứa; trên nhà sàn, bàn thờ được đặt chính giữa, phía trước là nơi tiếp khách, hai bên và phía sau là nơi sinh hoạt của gia đình. Trong bất kỳ các sự kiện nào của gia đình như cưới, sinh con, ma chay, nhà mới đều có sự hiện diện của những nghi lễ thờ cúng rất trang nghiêm.
Người Tày có nhiều lễ, tết và hội hè trong năm: Tết Nguyên đán, tết Thanh minh, tết diệt sâu bọ 5/5, rằm tháng 7… Lễ hội lớn nhất của người Tày là lễ hội Lồng Tông (lễ hội xuống đồng) được tổ chức vào dịp đầu năm mới với ước muốn cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, người yên, vật thịnh. Trong các lễ hội thường có các trò chơi dân gian như: ném còn, đánh bàm, đánh yến, kéo co, đẩy gậy… tạo không gian vui chơi lành mạnh cho cộng đồng người Tày. Ẩm thực của người tày rất đa dạng và phong phú, có xôi ngũ sắc, cơm lam, cá nướng, gà nấu măng chua, thịt trâu khô, thịt lợn chua và ác loại bánh: bánh chưng, bánh coóc mò, bánh gai, bánh củ chuối…
Người Tày tại thôn Tân Cường, xã Tân An, huyện Chiêm Hoá có 138 hộ với 564 khẩu, chiếm trên 72% dân số trong thôn (thời điểm tháng 12/2024); người tày nơi đây vẫn giữ được văn hoá truyền thống độc đáo, đa dạng và phong phú của dân tộc Tày huyện Chiêm Hoá, Tuyên Quang./.
HÁT THEN, ĐÀN TÍNH DÂN TỘC TÀY
Nghi lễ then là những khúc hát, điệu múa, âm nhạc sử dụng trong các nghi lễ thờ cúng có từ rất sớm theo quan niệm vạn vật hữu linh, được hình thành và phát triển trong dân gian, được nhiều thế hệ người tày tiếp thu, sáng tạo và bổ sung. Số lượng câu, lời then và giai điệu của một số đoạn của mỗi vùng có những nét khác nhau, mang những đặc trưng riêng, tuy nhiên về kết cấu và nội dung đường then cơ bản vẫn giống nhau.
(Hát then, đàn tính được người dân nơi đây bảo tồn và phát huy)
Cùng với thời gian tồn tại và phát triển, ngày nay tại tỉnh Tuyên Quang nói chung tồn tại hai dòng then: nghi lễ then cổ, được một số ít nghệ nhân và những người làm nghề then lưu giữ, hành nghề, truyền dạy, đang có nguy cơ bị mai một; dòng then thứ hai là then mới do những người am hiểu, yêu thích then đặt lời mới theo giai điệu then cổ. Then mới có nội dung ca ngợi cuộc sống, tình yêu đôi lứa, ca ngợi công ơn của Đảng, của Bác Hồ... then mới có số lượng người lưu truyền, sáng tác khá đông đảo, được phát triển ở hầu khắp các bản làng có người Tày sinh sống.
Ở xã Tân An huyện Chiêm Hoá hát then, đàn tính luôn được bảo tồn và phát huy, xã có các câu lạc bộ hát then đàn tính, các đội văn nghệ tại các thôn thường xuyên biểu diễn những làn điệu then cổ, then mới, đánh đàn tính; các hộ gia đình phát huy tốt hát then, đàn tính gắn với phát triển du lịch tại Homestay.
LƯỢN, CỌI DÂN TỘC TÀY
Người tày xã Tân An thường hát lượn, cọi là thể loại hát có giai điệu thánh thót, uyển chuyển, trầm bổng, luyến láy nên lượn cọi rất quyến rũ người nghe; lượn cọi có thể là một bài dài, hoặc cũng có thể chỉ là một đoạn vài ba câu ngắn; hát đối, cũng có khi tự hát; hát lượn, cọi đòi hỏi người hát phải có chất giọng khỏe, giọng hát hay để chuyển tải được hết những say đắm nồng nàn trong mỗi câu hát, nhằm bày tỏ tình cảm của bản thân với người nghe.
Lượn, cọi có nhiều cách hát, nhất là ở câu đầu tiên, một là vào phách nhẹ trước, hai là vào phách mạnh trước; trong đó, ở cách vào phách nhẹ trước thể hiện sự tinh tế, luyến láy hơn và ngược lại; cách hát vào phách mạnh trước lại giúp cho người hát khoe được giọng và hơi của mình, sau đó nhịp vần của điệu lượn đều như nhau, liên tục được lặp đi lặp lại theo một khổ thơ hai dòng, hoặc bốn dòng rồi mới quay lại câu diễn xướng ban đầu. Khi đã vào cuộc hát thường diễn ra theo trình tự: Ban đầu hát những câu mang tính mở đầu, chào hỏi, có nội dung ca ngợi cảnh vật, mô tả cảnh bản làng thanh bình, ngưỡng mộ cánh đồng bát ngát, lúa ngô xanh tốt, đồng thời, xin phép già bản, cảm ơn chủ nhà vì đã tiếp đãi, tạo điều kiện… sau đó cuộc hát mới chính thức bắt đầu.
ẨM THỰC DÂN TỘC TÀY
Ẩm thực của người Tày rất phong phú, độc đáo; có những loại đồ ăn, thức uống được chế biến kỳ công, hoặc chỉ có vào những thời điểm nhất định, nhưng cũng có những món ăn đơn giản, có thể chế biến, bảo quản quanh năm.
Cơm lam là một trong số những món ăn đặc biệt và được chế biến rất công phu, thuận theo nguyên lý âm dương ngũ hành; cơm lam có thể ăn ngay hoặc để cả tuần mà vẫn dẻo, ngon, không bị hỏng. Bánh trứng kiến là một món ăn kỳ công, đặc sắc, chỉ làm được vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 âm lịch (vì trứng kiến chỉ có vào mùa này), đây là một món ăn rất bổ dưỡng, tuy nhiên nếu ai thường bị dị ứng không nên ăn món này. Măng vầu cuốn thịt chỉ có vào tầm tháng hai, tháng ba âm lịch, nhân có thể bằng thịt gà hoặc thịt lợn băm nhỏ kèm các loại gia vị. Món lá ngoã cuốn là cá suối nhỏ, mổ sạch, băm cả con cho nát, rồi phi mỡ, đảo nhân chín vàng, cho rau răm thái nhỏ cùng gia vị vừa miệng vào mới dùng lá ngõa cuốn lại và hấp. Món thịt muối chua có thể làm và bảo quản được quanh năm. Món cá cũng làm tương tự, thường bà con ủ chua loại cá nhỏ; thịt và cá “chín” trong cơm rượu có màu đỏ, mùi thơm của men rượu và vị thanh chua. Các món nộm như nộm rau dớn, rau muống, hoa chuối rừng, hoặc từ thân cây chuối nhà…, cách làm thường là trần nguyên liệu bằng nước nóng rồi trộn đều với lạc, rau thơm, gừng, ớt, tỏi, chanh tươi, mì chính, muối trắng.
Nước chấm yêu thích của người Tày không phải là loại nước chấm thông thường, mà là mắm cá ruộng ủ 1 năm trời mới được 1 hũ. Cá dùng làm mắm phải là cá ruộng hoặc cá suối, mổ sạch, sau đó trộn với xôi nếp và các gia vị gồm lá trầu không, lá cơm đỏ, giềng, muối, men rượu…. Mắm cá ruộng cùng với măng chua còn là bài thuốc giải độc nhẹ cho những người bị trúng gió, trúng độc, nên bà con thường không bao giờ ăn hết hũ mắm, hũ măng mà thường để một ít lại dự phòng có lúc dùng đến. Đồ uống của người Tày là loại rượu làm từ thóc, ngô, chuối, gạo, sắn hoặc cây đao, do bà con ủ bằng men lá tự làm rồi tự chưng cất bằng chõ gỗ.”.
Một điều khá đặc biệt nữa trong văn hóa ẩm thực của người Tày, đó là đàn ông người tày thường nấu ăn ngon, là chủ bếp trong những ngày lễ, tết, có cỗ lớn, còn phụ nữ chỉ đảm nhiệm việc làm bánh và phụ bếp; đây là nét đẹp văn hóa, thể hiện trách nhiệm và sự tôn trọng của người đàn ông với phụ nữ trong xây dựng cuộc sống ngày càng tiến bộ ở gia đình và cộng đồng người dân tộc Tày.
Đỗ Hoa Quyên