Thêu tay truyền thống dân tộc Dao tiền

Thứ năm, ngày 26/12/2024 - 15:41
Đã xem: 14 views

Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc không đơn thuần là hình ảnh để phân biệt với các dân tộc khác mà còn lưu giữ giá trị văn hóa đặc trưng riêng của dân tộc đó; người Dao tiền cũng vậy, họ vẫn giữ thói quen tự may trang phục và mặc trang phục truyền thống trong tất cả các dịp lễ hội, đi chợ hay trong lễ truyền thống, lễ cấp sắc...

(Người phụ nữ Dao tiền thôn Tân Cường, xã Tân An cần mẫn thêu tay truyền thống)

Để có một bộ trang phục ưng ý, cần phải trải qua nhiều công đoạn như trồng bông, se sợi, dệt vải, nhuộm lá đến cắt may, thêu thùa... và hoàn thiện một bộ trang phục, đặc biệt là trang phục cô dâu mất gần một năm chuẩn bị; cầu kỳ nhất là công đoạn thêu thùa; với đôi bàn tay khéo léo hoa văn, họa tiết trên trang phục đã tạo nên những điểm nhấn riêng biệt cho trang phục phụ nữ Dao tiền.

(Nghề thêu được đồng bào nơi đây giữ gìn và phát huy)

Công đoạn thêu tay được làm rất tỉ mẩn và cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ do phải thêu tay rất nhiều họa tiết hoa văn; kỹ thuật thêu hoa văn của người Dao cũng rất phức tạp, thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ. Họa tiết thêu trên váy áo của người phụ nữ dân tộc Dao Tiền là những họa tiết về cỏ cây, hoa lá, cánh chim, ruộng bậc thang, dấu ấn bàn vương..., thể hiện nét sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người Dao tiền đánh giá vẻ đẹp của phụ nữ qua khả năng thêu, dệt và may trang phục; vì vậy trước khi về làm dâu, cô gái bao giờ cũng có vài bộ váy áo làm của hồi môn.

         

Nếu như trước đây, để có sản phẩm thêu thổ cẩm phải trải qua các công đoạn chính, gồm: trồng đay, tuốt lanh, se sợi, dệt vải, nhuộm vải rồi thêu, thì giờ đây, theo nhịp sống hiện đại nghề trồng đay, tuốt lanh, se sợi, dệt vải đã không còn; phụ nữ Dao tiền thường ra chợ mua vải, mua chỉ về thêu váy áo của mình; chỉ có những người phụ nữ lớn tuổi mới biết kỹ thuật tuốt lanh, se sợi, dệt vải.

        

(Hoạt động trải nghiệm tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc của các học sinh trên địa bàn xã Tân An)

  Để nét đẹp văn hóa của dân tộc không bị mai một trước nhịp sống hiện đại, những người phụ nữ ở thôn Tân Cường xã Tân An huyện Chiêm Hoá đã chú trọng truyền dạy nghề thêu váy áo truyền thống cho thế hệ con cháu. Người già dạy cho người trẻ, người biết nhiều dạy cho người chưa biết. Vì vậy, hiện nay phụ nữ trẻ tuổi trong thôn đã tích cực hơn trong việc học thêu váy áo của dân tộc mình. Nhiều chị em mặc dù mới học nhưng cũng muốn tự tay làm cho mình bộ trang phục của dân tộc thật đẹp để mặc vào các dịp lễ, hội.

Đỗ Hoa Quyên