Nghề dệt vải gắn liền với cuộc sống, văn hóa truyền thống người Dao Tiền tại thôn Tân Cường, xã Tân An, huyện Chiêm Hoá. Người Dao tiền nơi đây vẫn tự tay dệt vải, nhuộm chàm, thêu, khâu ghép cho mình bộ trang phục truyền thống nhằm nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc.
(Nghề dệt vải truyền thống được bà con dân tộc Dao tiền thôn Tân Cường giữ gìn và phát huy)
Dệt vải thủ công với nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ nên cần có sự kiên nhẫn và khéo léo từ đôi bàn tay của người phụ nữ mới có thể làm được. Còn người đàn ông trong gia đình sẽ căn chỉnh, sữa chữa khung dệt. Người Dao tiền trồng bông trên những nương rẫy, những quả bông được mang ra tán, phơi nắng và sau đó se sợi. Việc se sợi đòi hỏi người phụ nữ khéo léo quay tay sao cho đều để tạo ra đường sợi nhỏ, đều và mịn.
(Bà Bàn Thị Giàng thực hiện se sợi bông truyền thống)
Dựng thảm chỉ dệt đòi hỏi sự tỉ mỉ với cách giăng sợi đi vòng quanh cột nhà theo chiều dài, cánh tay trái cầm bàn cuộn những sợi chỉ, tay phải túm lấy các sợi chỉ cho thật thẳng đều, lần lượt kéo sợi đi theo chiều dài của cột nhà đã định đến cột cuối cùng kéo đều sợi chỉ đặt vào thảm chỉ đã dựng trước, sau đó lại tiếp tục chạy sợi lần lượt cho tới khi đủ cả chiều dài và chiều rộng của số mét vải đã dự định. Khi dựng thảm chỉ hoàn thành, người giữ cuộn chỉ để cho người khác chải chỉ được thông suốt thẳng đều, chải đến đâu thì người giữ có nhiệm vụ cuộn thảm chỉ vào cho thật chặt, lần lượt như vậy cho đến khi chải hết số sợi đã giăng được cuộn vào trong cuộn là hoàn thành việc dựng thảm chỉ dệt.
(Khung dệt truyền thống của người Dao tiền)
Khung dệt là khung cửi cố định bằng gỗ, khung chiều dài khoảng độ 2m, chiều rộng từ 1m đến 1,2m, đầu dưới là chỗ ngồi của người dệt vải và một đoạn cây gỗ hình tròn bằng bắp tay để cuộn tấm vải đã dệt được, đoạn giữa hai bên khung cửi được dựng thành khung vuông nâng lên cao hơn hai đầu khung dệt, đầu trên cùng là chỗ cuộn thảm chỉ để dệt. Hai bộ phận trên đều tham gia vào việc giữ cho tấm vải trước mặt người dệt thật thẳng.
(Người phụ nữ Dao tiền chăm chỉ dệt vải)
Sợi được xếp thành hai tầng trên và tầng dưới. Một tầng gồm tất cả các sợi lẻ, tầng còn lại tập hợp tất cả các sợi chẵn. Người dệt lấy bàn chân trái đạp xuống bàn đạp, thì tay phải đưa thoi sang bên trái, còn chân phải đạp xuống bàn đạp thì tay trái đưa thoi sang bên phải; cứ tuần tự đưa thoi từ phải sang trái, từ trái sang phải tuần tự và liên tục đảo vị trí cho nhau, trên xuống dưới, dưới lên; sau mỗi lần đảo, người dệt dùng con thoi nhẹ nhàng luồn qua khoảng cách giữa hai tầng vừa đảo nhằm đưa sợi vào giữa hai lòng thẳm chỉ dọc. Liên tục như vậy, sợi ngang và sợi dọc được đan vào nhau thành mặt vải; cứ tuần tự như vậy cho đến khi dệt vải được hoàn thành; khi dệt thành sản phẩm vải trắng, người Dao Tiền dùng cây chàm để làm thuốc nhuộm vải.
(Người Dao tại thôn Tân Cường luôn giữ gìn và tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc mình)
Nghề dệt vải, in sáp ong, thêu, nhuộm chàm của người Dao Tiền không chỉ là nghề truyền thống phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn là một loại hình du lịch trải nghiệm độc đáo nơi mà du khách được tự tay nhuộm chàm, in sáp ong, thêu tay và mua những chiếc khăn, bộ trang phục… mang về làm quà lưu niệm. Qua đó, không chỉ tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương mà còn góp phần bảo tồn, giới thiệu văn hóa đặc sắc của dân tộc đến du khách.
Minh Thao