Giữ hồn quê trong lễ hội truyền thống

Thứ ba, ngày 07/02/2023 - 16:13
Đã xem: 740 views

Trải qua bao thăng trầm, những lễ hội truyền thống ở Tuyên Quang vẫn có sức sống trường tồn. Những tinh hoa được lưu truyền, gìn giữ từ đời này sang đời khác, như một cách kể câu chuyện đất và người xứ Tuyên.

Giữ những nghi lễ tốt đẹp

Tuyên Quang hiện có 46 lễ hội, trong đó có 42 lễ hội truyền thống, còn lại là lễ hội văn hóa. Hiện đã có 3 lễ hội là Lễ hội Lồng tông của người Tày, Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Ỷ La của thành phố Tuyên Quang và Lễ hội Đình Thọ Vực (Sơn Dương) được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tất cả các lễ hội truyền thống đều lưu giữ được những nghi lễ riêng, gắn bó mật thiết với quá trình lao động, sản xuất của người dân.

Tiết mục múa bát của dân tộc Tày tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc xã Phúc Sơn (Lâm Bình). Ảnh: Cảnh Trực.

Rước nước là một trong những nghi lễ như vậy. Có thể thấy, nghi lễ rước nước xuất hiện ở hầu khắp các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh, với mong muốn cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu như: Lễ hội Chùa Hang được khởi đầu các hoạt động bằng lễ rước nước, với ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, dân khang, vật thịnh, nhà nhà ấm no hạnh phúc; lễ rước nước trong lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, nghi lễ rước nước tại Lễ hội đình Giếng Tanh... Theo ông Trương Đức Tiến, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Tuyên Quang, thì theo tài liệu của nhà Dân tộc học người Pháp Bonifacy viết về Tuyên Quang có nhắc đến tục rước nước thiêng của cư dân sông Lô cổ truyền. Như vậy rước nước một loại hình văn hóa dân gian, một nghi thức tâm linh đặc sắc biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân sống với nền văn minh lúa nước, đến nay vẫn được người dân thành phố Tuyên Quang kế thừa duy trì, phát huy với ý nghĩa giáo dục về lịch sử, truyền thống sâu sắc và vai trò to lớn trong sự gắn kết cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hoa, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho rằng, các nghi lễ trong các lễ hội truyền thống ở Tuyên Quang hiện đang được lưu giữ và bảo tồn khá tốt. Mặc dù mỗi lễ hội lại có những nghi lễ khác nhau, nhưng tựu trung lại đều là lời nguyện ước mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người khỏe mạnh, bình an.

Gắn lễ hội với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

Lễ hội Động Tiên - Chợ quê năm nay được tổ chức gắn với Lễ đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức dân gian nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa” huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Yên Sơn. Đây là lần đầu tiên, một sự kiện văn hóa được tổ chức gắn với một lễ hội truyền thống.

Ngay tại lễ hội, đông đảo người dân và du khách được giới thiệu về những nét văn hóa độc đáo của di sản. Các địa phương có di sản đều cam kết có giải pháp bảo tồn nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa để có thể lưu giữ, phát huy nghệ thuật trong cuộc sống thường ngày và trong phát triển du lịch.

Hội thi dệt thổ cẩm tại Lễ hội Lồng tông xã Yên Hoa (Na Hang).

Ở các địa phương, hiện việc tổ chức các lễ hội hiện cũng đang được gắn với việc bảo tồn, lưu giữ các nghề truyền thống của người dân địa phương.

Nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở các huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình đã có từ rất lâu đời. Ngay từ nhỏ, người con gái dân tộc Tày đã được các bà, các mẹ dạy cách  dệt thổ cẩm, quay sợi, bật bông, phối màu, thêu hoa... Khắp các bản làng, khi đến đâu cũng cảm nhận âm điệu nhịp nhàng của tiếng thoi đưa, bắt gặp hình ảnh người phụ nữ chăm chỉ dệt vải bên khung cửi, cần mẫn thêu thùa.

Khi kinh tế chưa phát triển, sản phẩm thổ cẩm được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng, một phần để trao đổi theo phương thức vật đổi vật, phụ thêm cho kinh tế gia đình. Đã từng có thời kỳ, dệt thổ cẩm mai một và đứng trước nguy cơ thất truyền, nhưng ngay khi du lịch phát triển, cộng với các chính sách lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nghề dệt thổ cẩm nhờ thế cũng hồi sinh mạnh mẽ.

Đến với các Lễ hội Lồng tông của đồng bào Tày những ngày Tết này, một không gian văn hóa đậm nét truyền thống được các địa phương khéo léo đưa vào không gian lễ hội. Bên cạnh phần hội, du khách dễ dàng hòa mình vào nhịp sống của đồng bào thông qua các gian hàng phục dựng nghề truyền thống của đồng bào địa phương.  

Tại Lễ hội Lồng tông xã Yên Hoa (Na Hang) tổ chức ngày 6 tháng Giêng vừa rồi, lần đầu tiên UBND xã tổ chức gắn với Hội thi dệt thổ cẩm. Ở Yên Hoa hiện còn hơn 30 khung cửi, nhưng số lượng người biết dệt còn rất ít, đặc biệt là giới trẻ đã không còn mặn mà với nghề. Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Yên Hoa cho biết, trước nguy cơ mai một, thất truyền nghề dệt thổ cẩm, xã quyết định tổ chức Lễ hội gắn với phục dựng nghề. Bà Nguyễn Thị Mừng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân Thành - đội giành giải Nhất phấn khởi: Ngay tại lễ hội, đã có rất nhiều người trẻ cùng tham gia, học nghề dệt.

Theo Chủ tịch UBND xã Yên Hoa Nguyễn Thị Hoa, ngay sau thành công của Lễ hội Lồng tông gắn với Hội thi dệt thổ cẩm, năm sau UBND xã đã lên kế hoạch sẽ khôi phục thêm các nghề truyền thống khác đang nằm trong nguy cơ thất truyền như nghề thêu thổ cẩm, đan lát mây tre...

Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa tổ chức từ ngày 27 đến 29-1, tức ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng, cũng trở thành địa chỉ lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng  bào. Những trò chơi truyền thống như đánh pam, kéo co, hội thi khâu quả còn nhanh, đẹp cũng thu hút rất đông người dân tham gia. Qua bàn tay khéo léo của những phụ nữ, những quả còn đẹp, nhiều màu sắc bên trong chứa đựng những hạt giống tốt như một lời cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

So với các địa phương khác, những lễ hội truyền thống của Tuyên Quang vẫn giữ được những nét quê riêng có, độc đáo. Từ các phần thi làm bánh dân tộc, may thêu trang phục dân tộc đến các trò chơi dân gian.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để đảm bảo các lễ hội hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, ngành đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức đúng quy định, Thanh tra Sở cũng phối hợp với các địa phương kiểm tra thường xuyên để tránh những biến tướng có thể xảy ra.

Theo TQĐT