Thổi hồn vào quà tặng du lịch

Thứ bảy, ngày 11/03/2023 - 08:51
Đã xem: 700 views

Quà tặng du lịch thể hiện nét văn hóa đặc trưng, phong phú và đa dạng về con người, văn hóa, tài nguyên du lịch, các khu điểm du lịch, di sản văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội, danh thắng, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực… tiêu biểu. Tuyên Quang là mảnh đất giàu giá trị lịch sử, văn hóa, do đó có tiềm năng rất lớn để phát triển các sản phẩm quà tặng du lịch. Tuy nhiên, quà tặng du lịch ở Tuyên Quang vẫn chưa thực sự hấp dẫn, ấn tượng, chưa có nhiều quà tặng được thổi hồn và mang dấu ấn của các giá trị văn hóa dân tộc.

Nỗ lực bước đầu

Những năm gần đây, các sản phẩm quà tặng du lịch từ thổ cẩm, mây tre đan ở các huyện phát triển mạnh đã mang tới sự đa dạng về mẫu mã, hình thức cho du khách lựa chọn. Nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm cùng sở thích ở các huyện đã được thành lập. Nhân dân không chỉ biết dệt những tấm chăn thổ cẩm to, dày, những bộ trang phục truyền thống giá bán lên tới tiền triệu mà còn biết đan lát, thêu những sản phẩm quà tặng nhỏ gọn như những chiếc ví, móc khóa, khăn quàng, khăn trải bàn, gối, mũ, túi xách thổ cẩm; đĩa, lọ hoa, cốc, khay bằng tre, nứa… Những sản phẩm này bước đầu cũng đã đáp ứng được phần nào nhu cầu và tâm lý của khách du lịch.

Hợp tác xã Thổ cẩm Lâm Bình hiện có một gian hàng trưng bày các sản phẩm quà tặng lưu niệm du lịch với 56 loại sản phẩm được trưng bày. Anh Đinh Hữu Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình cho biết, để có những sản phẩm quà tặng lưu niệm, quà tặng du lịch này, hàng năm, Trung tâm đã mở các lớp đào tạo đan lát tại một số xã, mời nghệ nhân tập huấn về thêu thổ cẩm của người Tày Lâm Bình, tham mưu cho UBND huyện tổ chức hội thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch để lựa chọn những mẫu sản phẩm quà tặng thiết thực nhất, sau đó nhân rộng những mẫu sản phẩm này tại các tổ hợp tác, hợp tác xã, homestay.

Các sản phẩm thêu thổ cẩm tham gia Hội thi thêu thổ cẩm của hội viên phụ nữ thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm (Lâm Bình).

Nhằm phát triển các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch, từ năm 2018 đến năm 2022, tỉnh đã hai lần tổ chức Cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng và sáng tác biểu trưng, khẩu hiệu du lịch”. Không chỉ ở cấp tỉnh, nhiều nơi ở cấp huyện cũng tổ chức các hội thi thiết kế các sản phẩm lưu niệm, quà tặng. Năm 2021, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu nâng cao chất lượng, mỹ thuật, kỹ thuật, mẫu mã, nhãn mác, bao bì, túi đựng, hộp đựng một số sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP của tỉnh Tuyên Quang”. Đồng chí  Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết, các cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch đã thúc đẩy phong trào làm các sản phẩm quà tặng lưu niệm, du lịch trên địa bàn tỉnh. Nhiều sản phẩm sau khi được trao giải đã được bán ra thị trường, được các doanh nghiệp, du khách đặt hàng.

Bên cạnh những sản phẩm mang ý nghĩa lưu niệm khi du lịch ở Tuyên Quang, các địa phương trong tỉnh còn chú trọng thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” mang nét đặc trưng riêng có của mỗi nơi. Hiện nay, toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP. Đây là nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú cần được quan tâm đầu tư cải tiến về chất lượng, mẫu mã để không chỉ phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà còn phục vụ cho phát triển du lịch.

Chưa thực sự ấn tượng

Tham quan một gian hàng bày bán các sản phẩm quà du lịch tại chợ đêm Na Hang, có rất nhiều sản phẩm đặc trưng của các xã được bày bán như: Măng chua, mộc nhĩ, đỗ đen, xanh, thịt lợn chua, mộc nhĩ, mắc khén, gạo nếp cái hoa vàng… Chị Nông Thị Hằng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Năng Khả cho biết, những ngày lễ hội, các sản phẩm này bán rất chậm, ít du khách mua. Những sản phẩm quà du lịch do hợp tác xã làm ra tuy nhiều chủng loại nhưng chưa thực sự ấn tượng, chưa có sự đầu tư nhiều  nên lượng tiêu thụ được rất ít. Theo quan sát của chúng tôi, những hộp thịt chua, măng ớt, mộc nhĩ… được đóng hộp, đóng gói chưa thực sự đẹp mắt, nhãn mác bằng giấy được dán một cách qua loa, đã bong tróc.

 Du khách xem các sản phẩm quà tặng du lịch tại chợ đêm Na Hang.

Chị Ngô Thị Minh, Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Lâm ở Lâm Bình chia sẻ, trước đây, những sản phẩm thổ cẩm, đan lát từ tre do hội viên làm ra để phục vụ du lịch được gửi bán tại các homestay nhưng sau một thời gian không bán được nên chị em cũng  thu về nhà. Theo chị Minh, những sản phẩm thủ công do bà con làm ra chưa thực sự đẹp mắt và ấn tượng, chưa phù hợp với nhu cầu và tâm lý của khách du lịch nên rất khó tiêu thụ. Chị Sằm Thị Thu, nhóm trưởng nhóm cùng sở thích đan lát mang cho chúng tôi xem những lọ hoa, khay, đĩa đựng hoa quả bằng tre được chị đan nhưng chưa bán được. Những sản phẩm này khá to, rất khó để khách du lịch có thể mang theo trong quá trình di chuyển tham quan, trải nghiệm.

Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay, đa số sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch được bà con làm thủ công, chưa hội tụ đủ các tiêu chí nghệ thuật, chưa đáp ứng được thị hiếu của du khách, một số sản phẩm chưa đại diện được những nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của mỗi dân tộc.

Chị Nguyễn Thị Hà, thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh) một lần lên du lịch tại huyện Na Hang cho biết, chị rất thích những sản phẩm dân dã, mộc mạc do người dân tự sản xuất ra ở đây. Tuy nhiên, theo chị Hà, các sản phẩm lưu niệm, quà tặng của Tuyên Quang cần được đầu tư nhiều hơn về chất lượng, mỹ thuật, kỹ thuật để vừa đẹp, vừa phù hợp với thị hiếu của khách du lịch.

Qua hai cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch do tỉnh tổ chức đã có hàng chục sản phẩm được trao giải nhưng số sản phẩm lưu niệm, quà tặng được duy trì, nhân rộng, phục vụ cho phát triển du lịch trong thực tiễn chưa nhiều.

Cần quan tâm đúng mức

Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh xác định một trong các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có là cần phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng, đặc sản phục vụ nhu cầu thị trường và du khách.

Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu nâng cao chất lượng, mỹ thuật, kỹ thuật, mẫu mã, nhãn mác, bao bì, túi đựng, hộp đựng một số sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP của tỉnh Tuyên Quang”, các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch, sản phẩm OCOP muốn đáp ứng được thị hiếu của khách du lịch cần được “thổi hồn” tức là phải đưa vào những giá trị văn hóa, những nét đặc trưng riêng có từ mẫu mã, hình dáng cho tới chất lượng bên trong sản phẩm. Sản phẩm quà tặng du lịch phải thực sự được quan tâm đúng mức để trở thành “đại sứ” truyền đi những thông điệp quảng bá về hình ảnh đất và người xứ Tuyên.

Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, một trong những khó khăn lớn hiện nay đó là làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về phát triển du lịch, bởi đa số người dân đã quen với canh tác nông nghiệp. Bởi vậy, muốn có những sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch hấp dẫn từ người dân cần từng bước. Trước mắt, cần tập trung thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư cho việc phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch. Các địa phương tiếp tục triển khai, hướng dẫn thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, toàn tỉnh mới có 1 hồ sơ đủ điều kiện để hỗ trợ theo Nghị quyết này để sản xuất mẫu sản phẩm lưu niệm mới phục vụ du lịch với số tiền 60 triệu đồng.  Bên cạnh đó cần quan tâm hơn nữa đến công tác quảng bá các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tới du khách, bởi đây vẫn là khâu yếu.
Nghị quyết về phát triển du lịch cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch đã có, vấn đề là triển khai trong thực tiễn cần có sự quan tâm đúng mức của mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của mỗi chủ thể làm du lịch để quà tặng du lịch thực sự trở thành “đại sứ” văn hóa với du khách.

Theo TQĐT.