Nghệ thuật trang trí trang phục người Dao đỏ

Thứ hai, ngày 25/11/2019 - 14:32
Đã xem: 4,058 views

Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên và Sơn Dương vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự của đồng bào dân tộc Dao đỏ trên địa bàn tỉnh, đồng thời là động lực góp phần bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp trang phục truyền thống của người Dao đỏ trên địa bàn.

Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, đóng góp vào kho tàng văn hóa bản địa đa dạng, phong phú. Một trong những trang phục có nhiều bản sắc với những nét độc đáo, đó là trang phục của dân tộc Dao đỏ. Vẻ đẹp rực rỡ trên trang phục phụ nữ dân tộc Dao đỏ luôn là hình ảnh ấn tượng, khó quên với người đối diện. Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ được trang trí bằng nhiều hoa văn phong phú đẹp mắt với màu sắc cơ bản là chàm, đỏ và trắng. Trên chất liệu vải chàm thô cùng với kỹ thuật tạo hoa văn từ thêu, chắp ghép những trang sức, người phụ nữ Dao đỏ thể hiện sự khéo léo về mặt cảm xúc, tâm tư tình cảm và những khát vọng sống của mình trong những họa tiết rất phong phú, đa dạng.

Một tiết mục trình diễn của người Dao đỏ tại Lễ đón nhận 
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao đỏ. 

Khăn đội đầu là một trong những điểm không thể thiếu của phụ nữ người Dao đỏ. Khăn được trang trí bằng nhiều họa tiết: Cây vạn hoa, hình cách đoạn, hình vết hổ... Khi đội lên đầu, các họa tiết hoa văn sẽ phô ra ngoài, làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khăn. Trang phục người Dao đỏ ở mỗi địa phương cơ bản đều giống nhau, tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sắc màu văn hóa Dao. Trong đó, có sự khác biệt trong cách mặc, vấn khăn, xà cạp và thêm bớt các chi tiết... Điển hình như: Trang phục người Dao đỏ ở một số nơi thường có chuỗi quả bông len hình tròn màu đỏ treo trước ngực. Số lượng và kích cỡ tùy quan niệm mỗi vùng. Nếu ở Hùng Mỹ, Phúc Sơn (Chiêm Hóa) có 9 quả bông, kích cỡ lớn thì ở Sơn Phú (huyện Na Hang) có 11 quả bông, kích cỡ bé hơn. Trang phục người Dao ở Bạch Xa, Tân Thành, Minh Khương (Hàm Yên) chỉ có những tua rua màu đỏ quanh viền áo trước ngực.

Nếu trang phục của phụ nữ Dao đỏ cầu kỳ bao nhiêu thì trang phục của nam người Dao đỏ lại rất đơn giản, chỉ có khăn đội đầu, áo ngắn và quần. Khăn đội đầu của nam, nữ Dao đỏ giống nhau, được thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu trắng, xanh lơ, vàng và màu đỏ lên toàn bộ mặt khăn... Đã 20 năm nay, bà Đặng Thị Ghển, thôn Khau Cau, xã Phúc Yên (Lâm Bình) gắn bó với nghề may trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ. Bà Ghển tâm sự: “Quần áo các con từ nhỏ đến lớn đều tự tay tôi may. Phụ nữ người Dao đỏ ở đây ai cũng được bà và mẹ truyền dạy lại cách thêu thùa quần áo, khăn, mũ cho các thành viên trong gia đình. Khi chúng đi lấy chồng, làm dâu phải biết thêu, may quần áo cho chồng, con và gia đình chồng. Giờ cuộc sống hiện đại, không mặc trang phục dân tộc thường xuyên, nhưng ít nhất trong dịp lễ, Tết hay khi con gái đi lấy chồng phải có một bộ trang phục mới của dân tộc mình”. 

Có mặt tại lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ, nhiều du khách không khỏi trầm trồ, ấn tượng trước sự tinh tế trong từng đường nét, chi tiết của bộ trang phục. Ông Hoàng Văn Thạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bày tỏ, đây là lần đầu tiên ông tận mắt ngắm nhìn những bộ trang phục truyền thống độc đáo, cầu kỳ và tinh tế như thế. Bộ trang phục này thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của người phụ nữ cũng như bản sắc văn hóa riêng của đồng bào Dao đỏ trong tỉnh.

Để hoàn thành một bộ trang phục dân tộc Dao đỏ phải mất 1 năm nếu làm nhanh, người làm chậm cũng phải 1 năm đến 2 năm. Chính sự cầu kỳ, tỷ mỷ trong từng công đoạn thực hiện đã tạo nên bản sắc riêng biệt của trang phục dân tộc Dao đỏ mà không thể pha lẫn với bất kỳ dân tộc nào.  

Theo TQĐT