Lễ cấp sắc của người dao coóc ngáng

Thứ bảy, ngày 11/04/2020 - 10:41
Đã xem: 3,174 views

Ở Tuyên Quang, người Dao Coóc Ngáng chỉ cư trú tại xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn. Họ là một trong những nhóm Dao có số lượng người rất ít, nhưng có những nét văn hóa riêng, một trong những nét văn hóa đặc sắc cần được gìn giữ là Lễ cấp sắc.

Người Dao Coóc Ngáng có tục lệ cấp sắc, nghi lễ là một hiện tượng tổng hợp những loại hình múa, nhạc, lễ, đặc biệt là những bài cúng đọc từ các sách đã được quy định từ lâu đời, có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của họ. Khi đã trưởng thành, lập gia đình và phải được cấp sắc thì mới có tên bên âm, được phép cúng thần thánh, tổ tiên và điều quan trọng là khi đó mới được cộng đồng, dòng họ và gia đình công nhận là người đàn ông trưởng thành, được làm nghề cúng bái và được giao tiếp với cõi âm. Vì vậy, trong truyền thống, dù có khó khăn đến mấy, họ cũng phải thực hiện cho được lễ cấp sắc.  


Lễ cấp sắc của người Dao. Ảnh minh họa

Để thực hiện nghi lễ, họ phải chọn xem ngày tốt, chuẩn bị lễ cúng là gạo, rượu, thịt lợn... Trước khi tiến hành làm lễ gia đình phải mổ lợn để dâng cúng thần thánh, họ quan niệm và gọi đó là các ma - là thế lực mà họ cho rằng luôn phù hộ và che chở cho con người, như ma thượng (ma trên trời), ma trung (ma ở trong không gian), ma hạ (các ma sông, suối, ma núi...). Để gọi các đàn ma này về phải gõ chiêng, trống, nhảy múa và mở một buổi tiệc có lễ cúng là bánh, rượu, thịt lợn… Bắt đầu thực hiện nghi lễ, người được cấp sắc mặc y phục mới, ngồi vào ghế. Thông thường, họ được cấp 3 đèn, 7 đèn và đặt tượng trưng đèn theo số đèn được cấp lên một cái đàn làm bằng tre hoặc nứa cho người được cấp sắc cầm. Khi thắp đèn, thầy cả thắp đèn cao nhất xong đến thầy thứ hai, lần lượt theo thứ tự thấp dần. Các thầy vừa thắp đèn vừa múa, khấn và rắc gạo lên thân thể người được cấp sắc để tượng trưng cấp phép, cấp sắc, cấp quân. Trong không gian của lễ, những người được cấp sắc được nhận những điều răn dạy đã linh thiêng hóa, hướng con người tới cái thiện, đó là lời răn phải kính trọng tổ tiên, thần thánh, biết ơn cha mẹ, thủy chung với bạn bè, sống chân thành, không lừa lọc, không dâm đãng, phải có lòng dũng cảm, biết trọng nghĩa tình. Sau đó gia đình mổ lợn dâng cúng để mở tiệc tạ các đàn ma, các thầy tiếp tục múa để tiễn ma đi, họ quan niệm ma nào ở đâu thì đưa về đấy, như Ngọc Hoàng, Tam Thanh thì về trời, các ma khác thì về nơi mà họ gọi là Tây thiên đại đồng. Người đàn ông được cấp sắc phải tuân thủ theo các trình tự, được cấp 3 đèn rồi mới được cấp 7 đèn,12 đèn. Cấp 3 đèn và 7 đèn thì cấp trong nhà, còn cấp 12 đèn thì phải cấp ngoài sân. Trường hợp cấp 12 đèn rất ít. 

Cấp sắc 12 đèn của người Dao Coóc Ngáng rất riêng và độc đáo, phải làm một cầu thang 12 bậc bằng dao có lưỡi được mài sắc. Sau đó thầy cúng đi trước hai tay đỡ lưỡi cày đã được nung đỏ chèo lên cầu thang có 12 con dao, người được cấp sắc đi sau, lên đến đỉnh thì thổi Tù và mời Ngọc Hoàng xuống chứng kiến phong cấp, rồi đóng dấu, đốt sớ cho người được cấp sắc, sau đó thầy thổi tắt 12 đèn là hoàn tất nghi lễ.

Theo TQĐT