Gìn giữ tài nguyên văn hóa trong kinh doanh du lịch homestay

Thứ ba, ngày 05/05/2020 - 08:19
Đã xem: 4,759 views

Có nhận định cho rằng, mô hình du lịch sinh thái nông thôn sẽ bùng nổ trong thời gian tới sau khi loại hình kinh doanh này gặt hái được những thành công nhất định. Xu hướng du lịch bình dân, dành cho người trẻ say mê khám phá được tận dụng để tạo dựng lên một trào lưu, trong đó, tài nguyên văn hóa địa phương được tận dụng triệt để trong kinh doanh. Nhưng sử dụng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong kinh doanh du lịch là việc cần sự thận trọng và trách nhiệm.

Anh Lương Duy Doanh, một doanh nhân ở Hà Nội đang đầu tư xây dựng khu du lịch tại Bản Bon và Nặm Đíp, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho hay: “Tôi hoàn toàn tin rằng, vốn văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây sẽ trở thành điều hấp dẫn khách du lịch. Chúng tôi xây dựng khu du lịch sinh thái đến nay được hơn 1 năm, nhưng hình hài của nó đã hình thành. May mắn nhất của tôi là có được sự ủng hộ của bà con bản địa, tất cả đồng lòng làm du lịch”.

Đây thực chất là một mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp sinh thái không mới tại Lâm Bình. Trước đó, tại huyện đã có 3 xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can làm du lịch kiểu này. Vì vậy, mô hình ở Bản Bon và Nặm Đíp ngay từ đầu đã có được sự đồng thuận của người dân trong bản.

Homesrtay Nặm Đíp do công ty TNHH Thương mại và du lịch Năm Sao, Hà Nội đầu tư 

Người dân còn trang trí cảnh quan xung quanh và dọn dẹp vệ sinh môi trường sạch đẹp. Anh Lương Duy Doanh khẳng định, mọi người dân tại Bản Bon và Nặm Đíp đều mong muốn thông qua du lịch, văn hóa đặc sắc của người dân bản địa được phổ biến rộng rãi, được lưu truyền và gìn giữ, đồng thời, cuộc sống người dân có thể được giao lưu nhiều hơn, có cơ hội làm giàu, cuộc sống sung túc hơn trước đây.

Huyện Lâm Bình quanh năm thời tiết mát mẻ, ở đây có rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, bảo tồn được nhiều loại động vật quý hiếm; Có danh thắng 99 ngọn núi Phượng Hoàng, hòn Cọc Vài, thác Nặm Me, thác Khuổi Slung, động Song Long, hang Phia Vài... đẹp như tranh. Đây còn là một địa danh hoang sơ, không có dấu hiệu bị mai một vốn văn hóa dân tộc nhiều bản sắc. Trong bản đồ du lịch, Lâm Bình vẫn còn là điểm đến mới mẻ, cảnh quan hấp dẫn, cộng đồng dân cư huyền bí, nhiều sắc thái và phù hợp với xu hướng phát triển du lịch bền vững.

Chuẩn bị chương trình giao lưu đốt lửa trại với bà con bản địa

Bên cạnh đó, Lâm Bình phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái kết hợp nông nghiệp bền vững là loại hình du lịch đưa du khách trở về với thiên nhiên, được trải nghiệm thực tế các hoạt động sinh hoạt, làm việc, giao lưu văn hoá bản địa gắn liền với bảo tồn, phát huy những giá trị nhân văn về tình yêu quê hương, bản làng và bảo vệ cảnh sắc thiên nhiên vốn có. Nhưng phải nói thêm rằng, việc mang vốn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ra kinh doanh du lịch là việc làm cần thận trọng và có trách nhiệm. Đó không đơn thuần là một bài toán kinh tế. Bởi khi công việc kinh doanh không được thuận lợi cũng là lúc vốn văn hóa bị rơi rớt, sự trân trọng với cuộc sống và màu sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ bị mai một.

Khách du lịch đến với Lâm Bình thích thú với các điểm check in mang nét truyền thống nhưng cũng không kém phần lãng mạn, họ chụp ảnh và đưa lên mạng xã hội. Sau đó, vẻ đẹp của các điểm check in được các nhiếp ảnh gia khai thác, nhiều người muốn được đích thân tới chiêm ngưỡng một hình ảnh độc đáo của núi rừng cũng là lúc các nhà kinh doanh du lịch để mắt tới các bản làng.

Một điểm check in cho du khách tại homestay

Mô hình du lịch nông nghiệp bản làng sinh thái bao gồm cải tạo cảnh quan bắt mắt, xây dựng hệ thống các gia đình cho khách du lịch nghỉ tại nhà, dịch vụ ăn uống theo văn hóa của người dân bản địa. Trong đó, ẩm thực của người dân nơi đây là cả kho tàng các món ăn phong phú có thể khai thác. Ngoài ra, các khu du lịch còn tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ cùng các trò chơi dân gian với sự tham gia của du khách và người dân địa phương. Đối tượng phục vụ của các khu, điểm du lịch là du khách từ xa đến. Họ đến đây vì bị hấp dẫn bởi cảnh quan tự nhiên, núi rừng hoang sơ, thơ mộng.

Ngoài việc mời gọi nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, việc cần làm ngay của địa phương là tích cực tuyên truyền, vận động bà con gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, giữ gìn nếp sống tự nhiên, bản làng sạch, đẹp, khôi phục làng nghề truyền thống, cải tạo cảnh quan môi trường. Về tương lai lâu dài, huyện cần hình thành các vùng sản xuất tập trung như trồng rau sạch, cây ăn quả... để tạo dựng điểm đến lý tưởng cho du khách và đó cũng là cách để du lịch sinh thái phát triển bền vững thu hút đông đảo du khách đến thăm quan và trải nghiệm./.

Phạm Hương