Sản vật xứ Tuyên (Đến Tuyên Quang mua gì?)

Thứ tư, ngày 27/05/2020 - 15:38
Đã xem: 18,832 views

Đến với Tuyên Quang, du khách không chỉ được đắm mình trong màu xanh ngút ngàn của núi rừng Việt Bắc, mà còn được tìm hiểu những phong tục tập quán giàu bản sắc của 22 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, nếu ai đã lỡ được nếm thử những đặc sản xứ Tuyên chắc sẽ vấn vương mãi không quên. Nếu bạn đang có kế hoạch đi du lịch Tuyên Quang hãy nhớ mua những món ăn, đặc sản mang đậm nét hoang sơ của núi rừng Việt Bắc để mang về làm quà cho người thân và bạn bè nhé!

Cơm lam - Sơn Dương 

Bí quyết tạo nên nét đặc trưng của cơm lam nơi đây chính là việc chọn loại nếp. Gạo nếp phải chọn loại gạo trắng, dẻo, thơm, tốt nhất là nếp nương, sau đó ngâm gạo với nước suối, vo sạch, rắc ít muối... Việc nướng cơm lam là một nghệ thuật. Theo kinh nghiệm người dân nơi đây thì khi nướng cần phải xoay đều tay trên bếp than hồng để cơm chín đều. Thông thường thì nướng khoảng 30-40 phút thì cơm chín. Du khách thưởng thức cơm lam nơi đây sẽ không thể quên được hương vị dẻo thơm, bùi, ngọt của từng ống cơm lam. Đây là món ăn đặc sản rất hấp dẫn khách tham quan, du lịch.

Hồng không hạt Xuân Vân - Yên Sơn

Là một loại trái cây rất ngon, ngọt thuộc xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn. Cứ vào dịp Trung Thu là hồng chín rộ, những thực khách "sành ăn" đều thích thú chọn lựa hồng để thưởng thức. Quả hồng có màu khá bắt mắt, khi chín thì chuyển từ màu vàng da cam đến vàng đậm. Quả hồng Xuân Vân mịn và ít đốm đen, lại có hạt đường nên khi ăn giòn, mùi thơm vị ngọt sắc rất hấp dẫn và lôi cuốn.

Hồng không hạt Xuân Vân - Huyện Yên Sơn

Thịt trâu ngố Tiến Thành - Yên Sơn

Là sản phẩm của hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, ở xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn. Đây là hợp tác xã đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Trâu ngố Tuyên Quang”. Chất lượng sản phẩm thịt trâu khô được người tiêu dùng đánh giá là ngon, ngọt. Đặc biệt sản phẩm được bảo quản trong túi hút chân không bảo đảm chất lượng của thịt và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mật ong bạc hà Phong Thổ, Hương Lâm - TP Tuyên Quang

Là sản phẩm được khai thác từ hơn 1.000 đàn ong nuôi tại các khu vực có nguồn hoa tự nhiên ở vùng cao nguyên đá Hà Giang, nguồn hoa nhãn, vải vùng trung du, miền núi Đông Bắc, Tây Bắc. Hiện sản phẩm mật ong bạc hà thuộc hai nhãn hiệu Phong Thổ và Hương Lâm đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ; đăng ký cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Sở Y tế Tuyên Quang.

Nhãn hiệu mật ong bạc hà Hương Lâm - TP Tuyên Quang

Cam sành - Hàm Yên

Cam sành Hàm Yên quả to, vàng óng, có vị ngọt thanh mát, hương thơm dịu. Cam sành Hàm Yên được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam, lọt top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng, được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước. Những năm gần đây người dân vùng cam Hàm Yên đã áp dụng mô hình sản xuất cam an toàn theo quy trình VietGAP, cam hữu cơ nên chất lượng cam sành được nâng lên.

Thổ cẩm Mạnh Bình - Hàm Yên

Các sản phẩm từ thổ cẩm, gồm: Yếm, trang phục, khăn trải bàn, túi xách, ví... được người dân Hàm Yên dệt, đan, thêu thùa hoa văn khá kỳ công và tinh xảo đã trở nên khá quen thuộc với nhiều du khách gần xa. Đây là món quà ý nghĩa du khách dành tặng cho người thân, bạn bè.

Bánh gai - Chiêm Hóa

Là đặc sản của đồng bào dân tộc Tày, huyện Chiêm Hóa, được làm từ lá gai và gạo nếp. Bánh có nhiều thành phần nên khi thưởng thức ta cảm nhận được vị bùi của đậu xanh và dừa, chút ngậy của thịt mỡ, vị ngọt mát, dẻo quánh của gạo nếp, lá gai… Tất cả hương vị hòa trộn khiến thực khách ăn một lần nhớ mãi.

Bánh gai - Chiêm Hóa

Rượu ngô - Na Hang

Rượu được nấu từ ngô ủ bằng men lá. Men được làm từ các loại lá, rễ cây rừng. Để tạo ra được thứ đồ uống ngon, thơm, êm dịu là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự tuân thủ các nguyên tắc và những kiêng khem nhất định. Đó là bí quyết làm nên thương hiệu của sản phẩm có một không hai này.

Lê Hồng Thái - Na Hang

Nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mặt nước biển, xã Hồng Thái, huyện Na Hang có khí hậu quanh năm mát mẻ và nức tiếng là mảnh đất có nhiều hoa thơm, quả ngọt. Với những thuận lợi đó là điều kiện lý tưởng cho việc phát triển cây lê đặc sản. Lê Hồng Thái có vị ngọt thanh, thơm và rất giòn. Vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh vừa hỗ trợ gián tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm lê Hồng Thái.

Chè Kia tăng - Na Hang

Được trồng tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang, nơi có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Sản phẩm chè Kia Tăng là một trong những sản phẩm chè chất lượng cao của Tuyên Quang. Chè được chế biến từ nguồn búp chè tươi sạch, an toàn nên nước chè xanh, hương thơm đặc trưng, vị chát ngọt và thanh mát.

Chè Kia Tăng - huyện Na Hang

Sản phẩm mây tre đan - Lâm Bình

 Đây là sản phẩm khá nổi tiếng của Hợp tác xã Nhật Minh, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình. Từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc Tày nơi đây đã làm ra những chiếc giỏ, làn, khay, ống đũa, lọ hoa… rất độc đáo và lạ mắt. Đây là sản phẩm thân thiện với môi trường có nguồn gốc từ tre, mây, nứa, guột… Tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, dự án về mây tre đan của Hợp tác xã Nhật Minh được chứng nhận là dự án tiêu biểu toàn quốc.

Sản phẩm mây tre đan và cốc tre của huyện Lâm Bình

Sản phẩm cốc tre - Lâm Bình

Đây là sản phẩm của Hợp tác xã An Nhiên Phát, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình. Bằng bàn tay khéo léo, người dân nơi đây đã dùng tre để tạo ra những sản phẩm thiết yếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày như những chiếc thìa, dĩa nhỏ xinh, cốc chén tiện dụng… thay thế cho những sản phẩm bằng nhựa. Hiện nay hợp tác xã đang tạo việc làm cho nhiều lao động là người dân tộc thiểu số trong huyện và góp phần bảo vệ môi trường.

Phạm Hương