Lễ hội Giã cốm của người Tày huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Thứ sáu, ngày 20/09/2024 - 14:50
Đã xem: 135 views

Ngày 09/8/2024, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2325/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Giã cốm của người Tày huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang

Chiêm Hoá là huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang. Huyện có 23 xã và 1 thị trấn, dân số trên 135.199 người với 18 dân tộc cùng chung sống. Trong đó, dân tộc Tày là cư dân bản địa, cư trú lâu đời nhất trên vùng đất Chiêm Hóa, chiếm trên 60% dân số toàn huyện. Trong cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất, đồng bào Tày ở Chiêm Hóa đã gìn giữ, sáng tạo và phát triển các giá trị văn hóa riêng biệt, đặc biệt là Lễ hội truyền thống phong phú, độc đáo, đậm tính dân gian, trong đó, Lễ hội giã cốm mang hơi thở của đời sống tâm linh, phản ánh nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của dân tộc, được lưu truyền từ xa xưa trong đời sống văn hóa tinh thần và xã hội của người Tày.

(Lễ hội Giã cốm xã Trung Hà năm 2023)

Lễ hội Giã cốm theo tiếng dân tộc Tày "Tăm khảu mẩu” có nghĩa là giã cốm. Đồng bào còn có tên gọi khác là “Kéng loỏng” có nghĩa là giã cốm bằng loỏng. Lễ hội Giã cốm diễn ra vào tháng 8 hoặc tháng 9 âm lịch hằng năm, đây là thời điểm mùa vụ vừa kết thúc, người nông dân được nghỉ ngơi, vui chơi mừng mùa cơm mới để chuẩn bị đón tết Âm lịch. Đồng thời, theo quan niệm của đồng bào Tày huyện Chiêm Hóa, vào ngày rằm tháng tám (hoặc tháng chín) ánh trăng tỏa sáng đẹp nhất trong năm, nên lễ hội Giã cốm còn là dịp để người nông dân đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống trần gian dự hội (hội Hai).

Lễ hội Giã cốm diễn ra theo từng bản, hoặc nhiều bản liền kề nhau trên cùng một địa vực cư trú sẽ tổ chức chung. Bản nào có đình, đền thì làm lễ tại đình, đền; bản nào không có đình, đền thì lễ hội diễn ra tại một khu đất trống gần cánh đồng hoặc ở những thửa ruộng bằng phẳng; một số bản tổ chức tại nhà thầy Then. 

Ngay từ đầu mùa vụ, các gia đình chọn một khoảng ruộng tốt nhất để cấy lúa dành riêng cho làm cốm. Bước vào tháng 8 (hoặc tháng 9 âm lịch), khi những bông lúa vừa chớm vàng, hạt lúa phát triển thành “khảu mảu” là thời điểm tốt nhất để người dân làm cốm. Lúc này, thầy Then sẽ xem ngày đẹp và thông báo với người dân trong bản để chuẩn bị lễ hội.

Để điều hành lễ hội, Ban tổ chức được thành lập, gồm các cụ cao niên trong bản, đứng đầu là thầy Then. Ban tổ chức hướng dẫn dân bản làm các công việc chuẩn bị cho lễ hội, gồm các nhóm:

 Nhóm rước “thần lúa” từ ruộng về bản: Đảm nhận công việc này là những người phụ nữ có uy tín trong bản, có gia đình hạnh phúc, đông con, đông cháu.

Nhóm thực hiện nghi lễ giã cốm: Là các tràng trai chưa vợ, các cô gái chưa chồng. Các nam thanh, nữ tú đều xuất thân trong gia đình hạnh phúc, còn đầy đủ cha và mẹ.

Nhóm đắp lò, đốt lò nướng cốm: Những người đàn ông khỏe mạnh, không phân biệt tuổi tác, ai cũng có thể tham gia.

Nhóm lấy lúa về làm cốm, chế biến các món ăn từ cốm: Các chị em phụ nữ trong bản, không phân biệt tuổi tác, già trẻ (mỗi gia đình có ít nhất một người tham gia).

Nhóm chuẩn bị và sắp đồ lễ: Mỗi gia đình cử một người tham gia làm 2 mâm cỗ chung của bản (một mâm cỗ dâng cúng thần linh, một mâm cỗ cúng Mẹ Trăng và 12 nàng tiên). Mâm lễ cúng thần linh gồm có: Cốm, xôi ngũ sắc, thịt lợn, thủ lợn, gà trống (luộc cả con), bánh gai, bánh chưng, bánh dày, bánh cốm, hoa quả, tiền vàng. Mâm cúng Mẹ Trăng và các nàng tiên gồm có xôi ngũ sắc, cốm, bánh cốm, hoa quả.

Trước ngày diễn ra lễ hội, đồng bào dọn sạch sẽ khu vực đình, đền, miếu thờ thần hoặc khu ruộng cạn, khu đất trống đã được chọn để tổ chức lễ hội; dựng đàn cúng tế để làm lễ cúng thần linh. Không khí chuẩn bị lễ hội nhộn nhịp, phấn khởi bao trùm lên tất cả các gia đình và toàn thôn bản. 

Lễ hội Giã cốm được tổ chức gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội.

Từ 6h sáng, Ban tổ chức, các nhóm phụ trách các công việc của lễ hội và nhân dân đã tập trung đông đủ tại nơi diễn ra lễ hội.  

Phần lễ: Diễn ra vào buổi sáng, thực hiện 05 nghi thức: Rước thần lúa; cúng các vị thần linh; giã cốm; lễ tạ; cúng Mẹ Trăng và 12 nàng tiên.

Chủ trì phần lễ là thầy Then (thầy có chức sắc cao nhất, gọi là "pò thay"), giúp việc thầy then có từ 3 đến 5 thầy phụ. Nếu có 5 thầy thì đặt 5 bát hương gồm: Then, pụt, ham, thánh, tướng và đặt phía trước 5 hũ rượu bịt khăn đỏ.

+ Nghi thức rước thần lúa từ ruộng về đàn tế: Tại ruộng lúa, thầy Then thắp hương và thành tâm khấn: “Hôm nay được ngày đẹp, dân bản chúng con làm lễ tạ ơn thần lúa và các vị thần linh đã phù trợ cho dân bản chúng con một vụ mùa bội thu. Tạ ơn thần lúa đã bảo vệ cây lúa không bị sâu bệnh, trổ bông tươi tốt. Dân bản chúng con cung kính xin được rước đón thần lúa về dự lễ”. Sau bài khấn của thầy Then, các bà, các chị trong nhóm rước thần lúa xuống ruộng chọn cắt những bông lúa to đẹp, chắc hạt bó thành 3 cum (hoặc 5 cum) mang về bản và đặt lên trên đàn tế.

Sau khi đón thần lúa về đàn tế, người dân trong bản mới được xuống ruộng cắt lúa nếp mang về chế biến cốm phục vụ lễ hội. Người dân hồ hởi cùng nhau cắt lúa, bó lúa thành cum, gánh lúa về bản trong tiếng cười, tiếng nói rộn ràng, vui tươi, không khí nhộn nhịp bao chùm từ cánh đồng về tới thôn bản. Sau đó, lúa được mang đi nướng ở các lò đã chuẩn bị sẵn. Để hạt cốm thơm ngon, mềm dẻo và béo ngậy, trong quá trình nướng lúa phải lật liên tục và duy trì ngọn lửa cháy nhỏ, đượm than sao cho nóng đều trong khoảng 30 phút đến khi nứt hạt, dậy mùi thơm thì đạt yêu cầu. Lúa nướng xong, một phần mang cho vào 5 cái loỏng phục vụ cho nghi thức giã cốm trước, sau khi nghi thức giã cốm kết thúc, thì dân bản mới được giã cốm để ăn.

+ Nghi thức cúng thần: Đây là nghi thức chính, cúng Trời, Đất, thần lúa, các vị thần linh thổ địa và gia tiên của các gia đình dự lễ. Tại đàn tế, thầy Then thắp 3 nén hương và đánh trống chiêng báo hiệu giờ lễ sắp bắt đầu. Dân bản nhanh chóng từ mọi hướng tập trung tại đàn tế, các gia đình cung kính đặt bát hương tổ tiên trên mâm lễ của gia đình mình, theo thứ tự trước sau thành từng hàng ngăn nắp. Mỗi gia đình trải một chiếc chiếu để ngồi hai bên dự lễ. Khoảng trống ở giữa đặt 5 cái loỏng để thực hiện nghi thức giã cốm.

Khi dân bản đã tập trung đông đủ, thầy Then làm lễ cúng tế. Phần tế lễ được thực hiện theo các bước:

Giải uế: Thầy Then một tay cầm bát nước, một tay cầm cành thanh táo, vừa hát vừa nhúng cành thanh táo vào bát nước vẩy lên đàn tế và xung quanh các hướng. Cùng lúc, các thầy phụ việc thầy Then mở nồi nước lá thơm đã được đun sẵn, đặt trước đàn tế, lấy miếng sắt nung đỏ nhúng vào nồi nước tỏa hương thơm ngát, đồng bào quan niệm như vậy mới giải hết mọi uế tạp. Sau khi giải uế xong, thầy làm lễ giải vía (giải cho vía những người xung quanh, những người phục vụ không bị ám vía, được thanh tịnh sạch sẽ). Tiếp theo thầy Then đọc danh sách những lễ vật mà dân bản và các gia đình cúng tiến.

Tiễn tước (dâng hương): Thầy Then cầm bó hương, bình rượu dâng ngang đầu cúi vái rồi đưa cho các thầy phụ cắm hương, rót rượu. Sau đó thầy Then đọc văn tế. Các gia đình lần lượt lên thắp hương tại mâm lễ gia tiên của gia đình mình và tự đọc bài khấn mời gia tiên về dự lễ hội.

+ Nghi thức giã cốm: Sau khi thầy Then và các gia đình dâng hương xong, nghi thức giã cốm được tiến hành tạo nên không khí linh thiêng cho buổi lễ. Nhóm thực hiện nghi thức giã cốm được chia thành 2 bên nam, nữ thể hiện sự giao thoa của 4 mùa và của âm dương hòa hợp. Giã cốm được thực hiện theo trình tự gồm 5 giai điệu sau:

Giai điệu thứ nhất là gõ đuống nhịp ba: Giai điệu này chỉ có ba đôi nam nữ thể hiện, mỗi người cầm một chiếc chày gõ xuống mép đuống theo điệu nhịp 3, âm thanh rộn ràng, lúc bổng, lúc trầm quện vào nhau nghe như thác nước đang nô đùa trong gió, thể hiện sự vui vẻ, yêu cuộc sống của con người.

 Giai điệu thứ hai là gõ đuống kéo chảy: Thực hiện giai điệu này thường là 8 người chia nhau đứng ở 2 mép đuống mỗi bên bốn người, mỗi người cầm một chày gõ vào mép đuống theo điệu nhịp 2. Tiếng chày, tiếng đuống lúc này nghe như dàn đồng ca, minh họa cho sự rạo rực, phấn chấn của nhà nông lúc được mùa.

 Giai điệu thứ ba là gõ đuống theo nhịp con Cắp Cáng kêu: Điệu Quéng Lỏng Cắp Cáng được dựa theo truyền thuyết về tình yêu của một đôi trai gái nghèo, họ yêu nhau thắm thiết nhưng do lễ giáo phong kiến, mà không đến được với nhau.

 Giai điệu thứ tư là điệu nẹp nứa: Đây là điệu Quéng Lỏng được dùng bằng hình tượng, khi chèo thuyền lướt sóng phải dùng mưu, để giữ thăng bằng cho con thuyền nhỏ khỏi bị lật khi gặp sóng to, gió lớn. Qua âm thanh và động tác của các nghệ nhân biểu diễn trong lễ hội cho thấy con người cần phải có ý chí và nghị lực thì mới có thể vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.

 Cuối cùng là giai điệu dệt cửi: Đây là nghề truyền thống của dân tộc Tày được các nghệ nhân thể hiện bằng nhạc cụ chày và đuống. Điệu Dệt cửi nói lên sự chịu thương, chịu khó của người phụ nữ Tày trong việc quay xa dệt vải và gìn giữ tổ ấm gia đình.

+ Nghi thức tạ ơn, cầu bình an: Thầy Then làm lễ dâng rượu, dâng cốm vừa giã xong và làm lễ hóa dâng văn tế, hóa dâng vàng mã. Sau khi hóa vàng mã, thầy Then xin các vị thánh thần cho được hạ lễ đồng thời xin phép được phát lộc cho dân bản hưởng thụ, cầu bình an, cầu cho dân làng trong bản và du khách luôn khoẻ mạnh, no ấm. Các gia đình cũng xin hạ mẫm lễ, ngồi quây quần mời mọi người trong bản cùng ăn, bữa ăn mang tính cộng cảm, cố kết cộng đồng sâu sắc.

+ Nghi thức đón Mẹ Trăng và 12 nàng tiên: Buổi tối, khi trăng vừa xuất hiện trên bầu trời, thầy Then và các cụ cao niên trong bản chuẩn bị mâm cỗ cúng Mẹ Trăng và 12 nàng tiên. Mâm cỗ được đặt lên trên đàn tế, sau đó thầy Then thắp 3 nén hương và đọc bài khấn. Theo quan niệm của đồng bào Tày, sau bài khấn của thầy then thì Mẹ Trăng và 12 nàng tiên sẽ xuống trần gian. Lúc này, trước khói hương nghi ngút, thầy Then đàn hát đi trước, các thanh niên nam nữ hát múa theo. Sau đó, bên nữ trở thành người "Nàng Hai", bên nam đại diện người trần gian, họ cùng nhau hát cầu mùa, những bài hát dân gian truyền miệng rất vui vẻ. Các giai điệu then, đàn tính cùng cất lên mượt mà, da diết trầm bổng.

Phần hội: Diễn ra vào buổi chiều, là dịp đồng bào Tày cùng du khách hòa mình vào các trò chơi dân gian, điệu múa như: Thi giã cốm, kéo co, trò chơi bịt mắt bắt vịt, nhảy sạp; hát then, sli, lượn, cọi. Các hoạt động đã gắn kết người dân, du khách đến gần nhau hơn và trân trọng những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.  

Trước đây, Lễ hội giã cốm được tổ chức theo từng bản ở hầu hết các xã có người Tày sinh sống. Ngày nay, lễ hội giã cốm còn duy trì ở một số xã: Trung Hà, Hà Lang, Tân An. Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, năm 2022, UBND huyện Chiêm Hoá tổ chức phục dựng Lễ hội Giã cốm tại thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà và phối hợp với Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ngày 09/8/2024, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2325/QĐ-BVHTTDL công bố Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Giã cốm của người Tày huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.

 

Minh Thao, Ảnh: baotuyenquang.com.vn