Lưu giữ nghệ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong của người Dao Tiền

Thứ năm, ngày 26/09/2024 - 15:05
Đã xem: 1,494 views

In hoa văn trên vải bằng sáp ong là nét đẹp văn hóa được đồng bào Dao Tiền tại thôn Tân Cường, xã Tân An gìn giữ, lưu truyền lại cho các thế hệ kế tiếp.

Thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Chiêm Hoá đã phối hợp với UBND xã Tân An tổ chức lớp truyền dạy kỹ thuật chấm sáp ong, nhuộm chàm trên thổ cẩm của người Dao tiền thôn Tân Cường xã Tân An. 

 Người Dao Tiền tại thôn Tân Cường, xã Tân An có 42 hộ với 145 khẩu, trước đây người dân sống tại xã Yên Hoa, huyện Na Hang, năm 2003 thực hiện xây dựng Thuỷ điện Tuyên Quang người dân được bố trí sắp xếp di dân tái định cư và xây dựng cuộc sống mới tại thôn Tân Cường, xã Tân An. Người Dao nơi đây đã và đang gìn giữ, truyền dạy các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc, trong đó nổi bật là kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong vô cùng độc đáo. In hoa văn bằng sáp ong trên vải là một kỹ thuật đòi hỏi độ khéo léo, tỉ mỉ, nên công việc này do người phụ nữ thực hiện.

(Người Dao Tiền thôn Tân Cường, xã Tân An thực hiện in sáp ong trên vải)

Bộ dụng cụ in sáp o­ng gồm: Dụng cụ in bằng tre vót mỏng, uốn hình tam giác với kích thước to, nhỏ khác nhau để in hoa văn, lá chít được ép phẳng dùng làm cữ, một phiến đá và hạt vú bò để miết vải cho nhẵn. Dụng cụ đun sáp ong: Sọt đựng tro, lò đun, đĩa sắt để đun nóng sáp ong và sáp ong khoái rừng.    

(Miếng vải lanh được bà con mài nhẵn để chuẩn bị in sáp ong)

Sau khi se chỉ, dệt vải, miếng vải lanh trắng được những người phụ nữ dùng đá hoặc hạt vú bò mài nhẵn, mịn và bóng để khi vẽ, sáp ong sẽ không bị thấm, loang trên vải, theo đó, hoa văn cũng không bị nhòe, xấu.

(In sáp ong trên vải đòi hỏi kỹ thuật khéo léo)

Công đoạn in sáp ong đòi hỏi kỹ thuật và sự khéo léo.  Khi đun sáp ong, phải canh lửa thật vừa phải, để tránh in họa tiết không bị nhòe hoặc không dính lên vải. Khi sáp ong đủ độ, sử dụng khuôn tre hình tam giác, chấm xuống in họa tiết lên vải. Những họa tiết trang trí được người Dao Tiền sử dụng chủ yếu là hoa văn hình học, đồng xu, kẻ ngang, sóng nước, tứ giác và một số họa tiết khác được trang trí trên váy, đều mang ý nghĩa về cuộc sống, thể hiện niềm mong ước về sự thịnh vượng, cuộc sống no đủ, tốt đẹp. Sau khi các hoa văn được trang trí tỉ mẩn, còn phải chờ thêm một thời gian nữa để sáp ong khô, mới có thể đem tấm vải đi nhuộm chàm.

(Bà Bàn Thị Giàng hướng dẫn các thành viên tổ thêu, dệt truyền thống nhuộm chàm vải in sáp ong)

Sau khi thu hái lá tràm, ủ lá, ngâm cao chàm. Vải in sáp ong được nhuộm chàm và thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần mới cho ra màu đậm và đều. Nhờ có sáp ong kết dính, nên những phần hoa văn trang trí sẽ không bị ngấm chàm mà giữ được màu trắng nguyên bản. Tấm vải sau khi phơi thật khô, sẽ được đem luộc với nước sôi, sáp ong gặp nhiệt độ cao sẽ tan ra để lộ các hoa văn màu trắng và màu không phai. Kỹ thuật in hoa văn trên vải của đồng bào dân tộc Dao Tiền là một nét văn hóa độc đáo đang được bảo tồn và phát huy.

Minh Thao