Di tích Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thôn Quang Hải, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá là di tích lưu niệm sự kiện thuộc loại hình lịch sử cách mạng. Tại đây, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã ở và làm việc từ tháng 5 năm 1951 đến tháng 3 năm 1952. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, UBND tỉnh Tuyên Quang đã Quyết định xếp hạng di tích Ngân hàng quốc gia Việt Nam thôn Quang Hải, xã Vinh Quang là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh tại Quyết định số 24/QĐ-UBND, ngày 28/2/2016.
Di tích Ngân hàng Quốc gia Việt Nam nằm trên một khu đất thuộc thôn Quang Hải, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá. Nơi đây gắn liền với sự ra đời và quá trình phát triển, trưởng thành của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
(Bia ghi dấu địa điểm nơi ở và làm việc của ngành Ngân hàng Việt Nam từ tháng 5 năm 1951 đến tháng 3 năm 1952 tại thôn Quang Hải, xã Vinh Quang)
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2 năm 1951). Ngày 06-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam với những nhiệm vụ: Quản lý việc phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ; Quản lý kho bạc Nhà nước; Huy động vốn cho vay phục vụ sản xuất lưu thông hàng hoá; Quản lý hoạt động kim dung bằng biện pháp hành chính; Quản lý ngoại hối và các khoản giao dịch bằng ngoại tệ và đấu tranh tiền tệ với địch. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập với tư cách là một cơ quan ngang bộ trong Hội đồng Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng ngoại hối, ngân hàng, đồng thời kiêm nhiệm hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng chuyên nghiệp. Ngân hàng do đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Tổng bộ Việt Minh, Trưởng tiểu ban Kinh tế - Tài chính của Đảng giữ chức vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.
Ngay sau khi có quyết định thành lập, tháng 5-1951, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã chuyển đến ở và làm việc tại nhà dân ở bản Niếng (nay là thôn Quang Hải), xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang làm nơi ở và làm việc. Sau một thời gian ngắn, được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương các dãy nhà của cơ quan được hoàn thành, cán bộ Ngân hàng Quốc gia Việt Nam chuyển vào một khu rừng già thuộc bản Niếng, xã Vinh Quang ở và làm việc để đảm bảo bí mật.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn ngắn ngày để tuyển chọn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt của ngành ở Ngân hàng Trung ương và các tỉnh.
Từ tháng 5-1951 đến tháng 3-1952, tại bản Niếng Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã lãnh, chỉ đạo hệ thống Ngân hàng, tín dụng hoạt động có hiệu quả, góp phần quan trọng vào công cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta. Đặc biệt là phát hành giấy bạc ngân hàng và thu hồi giấy bạc tài chính đây là một cuộc cải cách tiền tệ, chuyển từ chế độ tiền tệ quốc khố sang chế độ tiền tệ tín dụng. Ngày 15-7-1951, Chính phủ công bố lệnh phát hành tiền mới thu hồi tiền cũ. Công việc thu đổi tiền được chính thức tiến hành rộng rãi trên tất cả các địa bàn dân cư. Các loại giấy bạc ngân hàng 100đ, 200đ, 500đ, 1000đ lần lượt được phát hành cùng với loại 20đ và 50đ để thu hồi tiền tài chính. Nhân dân đã hồ hởi đón nhận, tiêu dùng đồng tiền mới, tin tưởng vào chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ.
Sau khi hoàn thành việc thu đổi tiền, chúng ta đã tạo lập được một chế độ tiền tệ mới đó là: Đơn vị tiền tệ của Việt Nam là đồng Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Giấy bạc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là phương tiện thanh toán, lưu thông hợp pháp của nước Việt Nam. Cơ chế phát hành tiền được thực hiện chủ yếu thông qua tín dụng và được quản lý tập trung thống nhất theo kế hoạch. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam là cơ quan Nhà nước quản lý phát hành và tổ chức điều hoà lưu thông tiền tệ. Đây là điều kiện cần thiết để củng cố và hoàn thiện hệ thống tiền tệ độc lập tự chủ, là tiền đề tiến tới xây dựng hệ thống tiền tệ thống nhất cả nước.
Đi đôi với việc tổ chức phát hành tiền mới, chế độ phát hành tiền đã được thiết lập. Việc quản lý phát hành tiền được thực hiện theo nguyên tắc tập trung thống nhất vào một đầu mối là Ngân hàng Trung ương. Cơ chế phát hành tiền được đảm bảo bằng việc thành lập một hệ thống Kho Phát hành gồm 3 cấp do Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam làm Chủ nhiệm: Kho Phát hành Trung ương (Tổng kho), Kho Phát hành liên khu (Phân kho), Kho Phát hành Tỉnh (Chi kho). Trong hệ thống Kho Phát hành, Tổng kho là chủ thể quản lý ra lệnh phát hành và điều tiết còn Chi kho là đơn vị cơ sở chấp hành lệnh phát tiền vào lưu thông của Tổng kho.
Từ cuối năm 1951, công tác kinh tế - tài chính đã có bước chuyển biến mới. Sản xuất và lưu thông hàng hoá được đẩy mạnh, chế độ thu chi tài chính bước đầu được quản lý thống nhất. Trên cơ sở đó, công tác phát hành và điều hoà lưu thông tiền tệ đã từng bước được củng cố. Tiền tệ từ chỗ không ổn định đã dần dần đi vào thế tương đối ổn định.
Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thực hiện quản lý Kho bạc Nhà nước, góp phần tăng thu, tiết kiệm chi, thống nhất quản lý thu chi ngân sách. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đóng vai trò là người thủ quỹ và kế toán tài chính kho bạc, đồng thời thực hiện quản lý và giám sát các khoản thu, chi theo nguyên tắc chế độ kho bạc Nhà nước. Cùng với Bộ Tài chính thực hiện những chủ trương, chính sách kinh tế, tài chính của Đảng và Nhà nước. Ngân hàng Quốc gia mở tài khoản cho kho bạc theo chế độ: Tài khoản Kho bạc Trung ương mở tại Ngân hàng Trung ương, tài khoản Kho bạc địa phương mở tại chi nhánh của Ngân hàng Quốc gia ở địa phương.
Cùng với nhiệm vụ quản lý phát hành, tổ chức điều hoà lưu thông tiền tệ, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã chú trọng phát triển tín dụng Ngân hàng nhằm thúc đẩy tăng gia sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hoá. Tín dụng ngân hàng có nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp và các ngành nghề ở nông thôn, theo đúng tinh thần báo cáo về kinh tế - tài chính tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng: "Nông nghiệp hiện nay và một thời gian dài nữa chính là nền tảng kinh tế chủ yếu của chúng ta. Đẩy mạnh tăng gia sản xuất nông nghiệp là nắm được phần chủ yếu của vấn đề phát triển kinh tế trong kháng chiến". Theo phương hướng đó, Hội nghị ngân hàng đầu tiên vào tháng 7 năm 1951 đã xác định: "Tín dụng giúp nông nghiệp và nghề phụ là chính, đẩy mạnh vận tải lưu thông hàng hóa, tập trung vốn vào trọng điểm, giải quyết vấn đề căn bản của nông thôn...". Phương châm hoạt động tín dụng trong thời kỳ này là tập trung vốn vào những nhu cầu mấu chốt trong sản xuất; kết hợp vốn cho vay của Nhà nước với vốn của nhân dân, cho vay đúng mức theo phương châm công tư kiêm cố, kết hợp cho vay với việc tổ chức vận động phong trào sản xuất.
Qua một thời gian hoạt động, số vốn ngân hàng cho vay trong 6 tháng cuối năm 1951 đã tăng gấp 3,2 lần so với số vốn cho vay trong hơn 4 năm hoạt động của Nha Tín dụng sản xuất. Kết quả đó đã góp phần quan trọng phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc và tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với nhân dân.
Hội nghị Ngân hàng toàn quốc được tổ chức vào đầu năm 1952. Sau khi phân tích, đánh giá công tác tín dụng nông nghiệp, Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ ngân hàng phải mở rộng cho vay trực tiếp các nhu cầu cần thiết phục vụ cho sản xuất song song với đẩy mạnh cho vay để tổ chức vận chuyển, tiêu thụ nông, lâm, thổ sản và các sản phẩm của ngành nghề phụ trong nông thôn (như tổ chức thu mua và tiêu thụ các loại nông sản, đặc sản, tre, nứa, lá...) nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Đồng thời giúp vốn để tổ chức vận chuyển và cung ứng các loại hàng hoá thiết yếu (vải, muối, dầu hoả...), phục vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn, qua đó kích thích sản xuất bình ổn vật giá, đẩy mạnh đấu tranh mậu dịch và kinh tế với địch, bồi dưỡng nguồn thu ngân sách.
Là một cơ quan chức năng phát hành và điều hoà lưu thông tiền tệ, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam còn đảm nhiệm tốt việc quản lý ngoại hối, đấu tranh tiền tệ với địch bao gồm đấu tranh tỷ giá và đấu tranh chiếm lĩnh địa bàn. Đây thực sự là một quá trình đấu tranh lâu dài, bền bỉ và phức tạp nhưng đã thu được những kết quả lớn, từ chỗ bị động đã tiến lên giành thế chủ động, từ chỗ liên tiếp bị sụt giá so với tiền địch đã dần dần nâng cao được giá trị tiền của ta. Những kết quả trên đã góp phần đáng kể vào việc củng cố và tăng cường nền tài chính quốc gia, bảo vệ nền tiền tệ độc lập, tự chủ và bảo vệ tài sản của nhân dân, phục vụ công cuộc kháng chiến thắng lợi.
Đầu năm 1952, sau khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử đi làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên Xô, đồng chí Lê Viết Lượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam lên thay. Tháng 4-1952, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã rời thôn Quang Hải, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá về Làng Cảy, xã Minh Khai (nay là xã Minh Thanh), huyện Sơn Dương ở và làm việc đến khi hoà bình về tiếp quản thủ đô Hà Nội.
Di tích Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thôn Quang Hải, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá gắn liền với sự ra đời và quá trình phát triển, trưởng thành của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Những hoạt động của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam trong thời kỳ này đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện hệ thống tiền tệ tín dụng độc lập, thống nhất của nước ta, thích ứng với yêu cầu của từng thời kỳ phát triển, phát huy vai trò là công cụ có hiệu lực của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp cách mạng, đưa cuộc kháng chiến của dân tộc từng bước đi đến ngày chiến thắng và là nơi chứng kiến tinh thần đoàn kết, mối quan hệ khăng khít giữa trung ương với địa phương trong những ngày tháng thiếu thốn gian khổ của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Di tích là trường học lớn cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau phát huy những truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta đã để lại.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, UBND tỉnh Tuyên Quang đã Quyết định xếp hạng di tích Ngân hàng quốc gia Việt Nam thôn Quang Hải, xã Vinh Quang là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh tại Quyết định số 24/QĐ-UBND, ngày 28/2/2016.
Minh Thao (Theo hồ sơ xếp hạng di tích, tư liệu Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang)