Danh thắng quốc gia thác Lụa thuộc thôn Thác Lụa, xã Hòa Phú là thác nước tự nhiên nằm trong quần thể những danh thắng đẹp có tiềm năng lớn về phát triển du lịch của huyện Chiêm Hóa. Nơi đây có cảnh quan hấp dẫn, nguyên sơ, khí hậu trong lành, mát mẻ tạo cho thác Thác Lụa có sức lôi cuốn mãnh liệt đối với du khách.
Thác Lụa bắt nguồn từ dãy núi Chạm Chu cao gần 1.000m, chảy qua các khe núi, thung lũng rồi đổ thẳng xuống chân núi. Thác Lụa gồm 3 tầng thác chính. Giữa 3 tầng thác lớn là các tầng thác nhỏ cao khoảng 5 – 7m và chia thành các khe nhỏ, nhánh mềm mại như dải lụa trắng tỏa rộng ra xung quanh, khi băng qua ào ào những triền đá, khe núi, có lúc lại dịu dàng trôi lững lờ qua những thảm cỏ, khóm cây, mặt nước như gương xanh biếc da trời đã tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ ảo và có sức quyến rũ lạ thường, các vực nước xanh trong giúp điều hòa, phân phối nước cho khu vực hạ lưu. Lưu lượng nước khá đều ở các mùa xuân, hạ, thu, đông. Vào mùa khô dòng thác trở nên hiền hoà với nhiều tầng nước chảy mềm mại trên những phiến đá xanh rêu phủ mượt như những tấm thảm. Vào mùa hè, bức tường nước của thác như một bản hùng ca dữ dội mà giọng bè là màn hơi nước khiến du khách ngỡ ngàng trước cảnh đẹp của thiên nhiên hùng vĩ.
(Tầng thác thứ nhất: Tát Cao)
Từ xa, du khách sẽ thấy thác Lụa như một bức rèm thưa lúc ẩn lúc hiện giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Khi đến gần thác, cảnh đẹp đầu tiên hiện ra trước mắt du khách giống như đầu rồng đang phun nước. Tầng thác thứ nhất có tên là Tát Cao có độ cao khoảng từ 25 đến 30m, chiều rộng khoảng 20m, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi được đứng giữa một cánh rừng nguyên sinh, quanh năm vi vu khúc nhạc hòa cùng tiếng hót du dương và thánh thót của các loại chim rừng. Quanh năm dòng thác đổ ầm vang từ trên cao xuống, tiếng thác đổ nghe như tiếng gầm thét của núi rừng.
(Tầng thác thứ hai: Tát Vóc)
Tầng thác thứ hai có tên gọi Tát Vóc, có độ cao khoảng 30m, chiều rộng khoảng 20m. Tầng thác được chia ra làm hai nhánh đổ xuống như hai dải lụa trắng tung bay trong không gian giữa núi rừng. Dưới chân tầng thác thứ hai có một vực nước trong xanh có thể nhìn thấy cả những hòn đá dưới nước, du khách có thể tắm mình dưới vùng nước trong xanh và mát mẻ, sảng khoái, quên đi những mệt nhọc ưu tư của ngày thường. Trên bờ của tầng thác thứ hai có những phiến đá trông như hình con rồng uốn mình nằm phục trên bờ. Hai bên dòng thác là những cánh rừng xanh đại ngàn trải dài như vô tận, với những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, những thân dây leo cùng một thảm thực vật phong phú. Có lẽ, điều đầu tiên du khách có thể cảm nhận được là không gian mát lạnh, tươi mới và mơn mởn nhựa sống giữa sắc xanh mây trời, hoa lá, cỏ cây cùng với tiếng líu lo, ríu rít vui tai của những chú chim rừng, sẽ hòa lên thành khúc nhạc rừng say mê, mời gọi. Thác Lụa giống như món quà tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất Chiêm Hóa.
Hai bờ thác là những cây phay, ô rô cổ thụ và muôn loài hoa lá, bốn mùa xanh mát. Thảm thực vật phong phú kết hợp với dòng nước chảy từ trên cao tạo thành chiếc điều hòa khổng lồ, biến nơi đây thành chốn bồng lai tiên cảnh. Từ xa, thác Lụa đổ trắng xóa một góc núi rừng. Dưới chân thác có một vực nước nhỏ, du khách có thể thỏa thích vẫy vùng dưới vùng nước trong xanh và mát mẻ. Trên bờ của tầng thác có những phiến đá trông như hình rồng uốn mình tạo nên vẻ hoang sơ, hấp dẫn. Trên những thân cây cổ thụ hoặc trên vách đá dựng đứng như bức tường thành được điểm tô bởi những giò phong lan rừng đang toả hương khoe sắc.Từ tầng thác thứ hai du khách men theo những phiến đá dọc hai bên bờ thác du khách sẽ thấy những tầng thác nhỏ nối tiếp, những tầng thác nhỏ này chảy dọc dưới những khóm cây rừng, luồn qua những phiến đá tạo nên một phong cảnh thơ mộng.
Tầng thác thứ ba có tên gọi Tát Lụa, có độ cao hơn 20m, chiều rộng khoảng 5m. Thác nước trắng xoá đổ từ trên cao xuống, được ánh mặt trời chiếu sáng, trở nên lung linh ánh bạc, sáng trong và long lanh. Những cây cổ thụ cao vút, bốn mùa xanh mướt, những chú chim nhỏ bé đang bay lượn trên bầu trời trong xanh, cất lên những giai điệu mềm mại và thanh bình. Vẻ đẹp của thác nước, của đá, của cỏ cây, hoa lá, chim muông đã hòa quyện vào nhau, tạo nên một khung cảnh tuyệt mỹ tưởng chừng như chỉ có trong cổ tích. Vào mùa thu, mùa xuân, dòng thác chảy hiền hòa len lỏi qua những phiến đá, khóm cây rừng, tiếng rì rào, róc rách của dòng thác như lời thì thầm bất tận của thời gian về huyền thoại thác Lụa. Tại đây du khách có thể khám phá nhiều điều kỳ thú, ngắm những phiến đá tai mèo nhiều gân đẹp mắt.
Tát Lụa được chia thành nhiều tầng thác nhỏ khác nhau, những dòng nước tuôn chảy tạo nên những vũng nước nhỏ ở dưới chân thác. Càng lên cao khí hậu càng mát mẻ tạo cho du khách cảm giác thoải mái sau những ngày làm việc vất vả. Từ trên đỉnh thác thứ ba, du khách có thể thỏa sức phóng tầm mắt để cảm nhận bức tranh sơn thủy hữu tình của miền sơn cước mang đến sự tĩnh lặng, yên bình cho tâm hồn.
Thác Lụa không chỉ hấp dẫn du khách bởi sự kiêu hùng của dòng thác bạc, mà còn bởi sự bí ẩn xanh mát của thảm thực vật nguyên sinh, bởi sự đa dạng phong phú của các loài động vật bao gồm: Động vật không xương sống; các loài bướm cỏ vàng, bướm đuôi rồng, bướm vòi, bướm cây tầm ma; nhiều loài chim quý hiếm như phượng hoàng đất, gà lôi trắng, gà gô, vẹt, gõ kiến đầu đỏ. Ngoài ra, tại khu bảo tồn còn có nhiều động vật muông thú quý hiếm: Hươu, nai, nhím, lợn rừng, tắc kè, hươu, nai, hoẵng, gấu, chồn bay, sóc bay, các loài linh trưởng.
Rừng tại khu vực thôn Thác Lụa có nguồn gen thực vật phong phú, tính đa dạng sinh học cao. Có nhiều cây gỗ lớn, có những loại quý hiếm: Mun đen, nghiến, trai, đinh, lim, lát, sến, táu và các cây thảo dược ở đây còn nhiều dược liệu quý, các loại rau, quả đặc sản: Tầm gửi, sa nhân, ngót rừng, bồ khai, rau dớn, trám đen, trám trắng, tai chua, sấu, dâu da, doi rừng, măng, nấm.
Đến với thác Lụa, du khách còn được nghe kể về sự tích dòng thác trong xanh gắn với câu chuyện tình thuỷ chung của đôi trai tài gái sắc nơi đây. Chuyện kể rằng: “Ngày xưa, có một đôi vợ chồng sống trong rừng già, người chồng rất giỏi săn bắn. Một hôm, người chồng nhận được lệnh Thiên sứ lên trời làm nhiệm vụ, chàng trai đã đến đỉnh núi nhìn người vợ lần cuối và theo Thiên sứ lên trời. Rồi người vợ cứ chờ đợi và đi tìm chồng. Nàng cũng đến đúng đỉnh núi nơi Thác Lụa đổ xuống ngày nay mà chờ, đợi chồng mặc cho mưa gió, bão bùng. Nước mắt nàng đã chảy thành suối. Câu chuyện ấy đã trở thành huyền thoại về Thác Lụa. Cũng chính vì vậy mà càng vào những ngày mưa, Thác Lụa càng trong xanh lạ kỳ”.
Thác nước trắng xoá đổ từ trên cao xuống, được ánh mặt trời chiếu sáng, trở nên lung linh ánh bạc, sáng trong và long lanh. Dưới chân Thác Lụa hình thành một vực nước xanh mát. Phía sau Thác Lụa có một hang đá chứa nhiều điều bí ẩn, truyền thuyết từ xa xưa kể rằng, vào giai đoạn đánh giặc Cờ Đen, bên trong hang núi đặt hai cái chum đựng kho báu và vũ khí. Miệng chum đặt một thanh gươm quý, không ai được phép lấy thanh gươm vì chỉ cần chạm vào chiếc chum, thanh gươm sẽ tự xoay như bảo vệ chủ. Câu chuyện hàm ý nhắc nhở người dân giữ lấy nguồn nước quý từ Thác Lụa, bởi chum là vật dụng xưa nay người dân rất ưa chuộng để đựng nước. Câu chuyện được người dân nơi đây lưu truyền để cùng nhau giữ gìn thác nước trong và sạch, dùng làm nguồn nước sinh hoạt, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Danh thắng thác Lụa, thôn Thác Ca, xã Hòa Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, phong cảnh hữu tình và đầy bí ẩn. Đến với thác Lụa du khách sẽ được chiêm ngưỡng một vùng đất còn mang đậm dáng vẻ hoang sơ, tự nhiên. Đây là điều vô cùng hấp dẫn những du khách ưa thích được khám phá tự nhiên.
Trong hành trình khám phá ngọn thác hùng vĩ nằm sâu trong cánh rừng nguyên sinh, du khách còn có thể chiêm ngưỡng sự kỳ bí của rừng già với nhiều loài thực vật quý cũng như được thưởng thức bữa cơm đầy chất dân dã với những đặc sản núi rừng như: Măng rừng, cơm lam chấm muối vừng, dâu rừng, canh đắng, đặc biệt là rượu nếp cẩm được làm từ men lá mang hương vị thơm ngon, mát dịu, cơm nếp, thịt gà, mắm cá ruộng.
Minh Thao