Làng văn hoá du lịch Bản Ba là một điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá văn hoá truyền thống dân tộc Tày, Dao, Mông và thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ.
(Không gian nhà sàn truyền thống tại Làng văn hoá du lịch Bản Ba)
Làng văn hoá du lịch Bản Ba, xã Trung Hà cách trung tâm huyện hơn 30 km, là nơi sinh sống của các dân tộc Tày, Dao, Mông. Nơi đây nổi tiếng với vẻ đẹp bình yên, thơ mộng được bao bọc bởi dãy núi Phiêng Khàng hùng vĩ và dòng thác Bản Ba uốn lượn theo triền núi, chảy qua bản làng. Xen kẽ cánh đồng lúa xanh mướt là nếp nhà sàn truyền thống mộc mạc, giản dị tạo nên một bức tranh bình yên nhẹ nhàng.
(Đền Bản Ba - nơi thờ Đức Thánh Lượng, người có nhiều công lao giúp đỡ xây dựng bản làng)
Bản Ba có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày có số dân đông nhất, cũng là dân tộc cư trú lâu đời nhất tại Làng văn hoá du lịch Bản Ba với trên 60% dân số. Từ xa xưa, đồng bào Tày nơi đây đã dựng bản làng, trải qua bao thăng trầm họ đã xây dựng và gìn giữ cho dân tộc mình một nền văn hóa phong phú, độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng bào Tày đã sáng tạo nên cả một kho tàng truyền thuyết về những địa danh linh thiêng, kì bí. Đó là đền Bản Ba và truyền thuyết Đức Thánh Lượng người đã có nhiều công lao giúp đỡ bà con trong bản làng, về chuyện tình thác Bản Ba hay các hình thức diễn xướng dân gian đặc sắc của dân tộc, những bài then cổ, âm nhạc, dân ca, dân vũ truyền thống.
(Hát then, đàn tính dân tộc Tày)
Sự phong phú, độc đáo trong văn hóa dân tộc Tày nơi đây còn được biểu đạt trong mọi mặt của đời sống hàng ngày từ trang phục, nhà ở, ẩm thực đến lao động sản xuất và các nghi thức lễ hội. Trang phục cổ truyền của người Tày được làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục nam và nữ, hầu như không có hoa văn trang trí.
(Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Tày)
Nói đến bản sắc văn hóa của người Tày là những nếp nhà sàn truyền thống được làm từ gỗ, tre, nứa. Trên nhà sàn, bàn thờ được đặt chính giữa, phía trước là nơi tiếp khách, hai bên và phía đằng sau là nơi sinh hoạt của gia đình. Trong bất kỳ các sự kiện nào của gia đình như cưới xin, sinh đẻ, ma chay, nhà mới đều có sự hiện diện của những nghi lễ thờ cúng nghiêm ngặt.
(Nhà sàn truyền thống)
Người Tày có nhiều lễ tết và hội hè trong năm: Tết Nguyên đán, tết Thanh minh, tết diệt sâu bọ 5/5, rằm tháng 7…Lễ hội lớn nhất của người Tày là lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng) được tổ chức ngày mồng 4 tháng Giêng với ước muốn cầu cho mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt và người yên vật thịnh. Lễ hội Giã Cốm được tổ chức vào dịp mừng lúa mới tháng 10 âm lịch hàng năm cầu mong mùa màng bội thu, năm 2024 Lễ hội Giã Cốm dân tộc Tày thôn Bản Ba, xã Trung Hà được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Các trò chơi dân gian được tổ chức như ném còn, đánh bàm, đánh yến, kéo co, đẩy gậy… được tổ chức nhằm tạo không gian vui chơi lành mạnh cho cộng đồng người Tày. Đến với bản làng, du khách còn được khám phá và thưởng thức những đặc trưng về ẩm thực nổi tiếng của đồng bào dân tộc Tày như: xôi ngũ sắc, cơm lam, cá nướng, các loại bánh như bánh chưng, bánh coóc mò, bánh gai, bánh củ chuối…
(Lễ hội Giã cốm dân tộc Tày)
Người Dao tại Làng văn hoá du lịch Bản Ba chia làm 3 nhóm là Dao Đỏ, Dao tiền và Dao áo dài với trên 33% dân số. Đời sống văn hóa tinh thần của người Dao rất phong phú thể hiện qua hệ thống lễ hội cổ truyền, các phong tục tập quán lâu đời, trong đó có nhiều lễ tục, diễn xướng dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiêu biểu là: Lễ cúng Bàn Vương, Lễ Cấp sắc và Lễ hội Nhảy lửa. Trong các nghi lễ cổ, Lễ cúng Bàn Vương kể về lai lịch, sự hình thành và quá trình di cư của người Dao, được nghi thức hóa thể hiện ý niệm về nguồn gốc và lịch sử của dân tộc mình. Lễ hội Nhảy lửa được tổ chức vào những ngày đầu xuân đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm với ý nghĩa lửa mang lại sự ấm áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho dân tộc sự an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật, cầu may, phúc, lộc, tài, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Cũng như nghi lễ Nhảy Lửa, Lễ Cấp Sắc là một nghi lễ dân gian nổi bật của người Dao, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời người đàn ông. Được cấp sắc nghĩa là họ đã trưởng thành, đã có thể làm thầy, làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình và được dòng họ, xóm làng tôn trọng. Trong đời sống văn hoá, hát Páo Dung là một báu vật văn hóa của dân tộc Dao, thể hiện tâm tư, tình cảm và ước vọng của người Dao trong cuộc sống, đề cao lẽ sống, cách ứng xử, ca ngợi thiên nhiên và tinh thần lao động sáng tạo.
(Lễ hội nhảy lửa dân tộc Dao đỏ)
Nghề thêu truyền thống ở Bản Ba có từ lâu đời, được duy trì bởi những người phụ nữ chăm chỉ và cần mẫn với những kỹ thuật thêu thùa các hoa văn như: Chữ vạn, cây thông, hình con chim, con người… tất cả các hoạ tiết đều truyền tải những bản sắc văn hoá độc đáo và mong muốn của người Dao đỏ trong cuộc sống sinh hoạt.
(Nghề thêu truyền thống của người Dao đỏ)
Đồng bào Dao có kho tàng tri thức về y học phong phú, do quá trình dài sinh sống trên núi cao, người dân trong bản ốm đau đều tự chữa bằng cây thuốc mọc trong tự nhiên. Do vậy người Dao đúc kết được những bài thuốc dân gian quý, khá đa dạng và phong phú. Bà con hái thuốc từ rừng, trên vách đá, bên bờ khe suối, có loại lấy lá, loại lấy vỏ, quả… Ẩm thực của người Dao mang hương vị độc đáo, từng món ăn đều có ý nghĩa riêng. Tết nguyên đán làm bánh Giày thờ tổ tiên, Rằm tháng giêng làm bánh Trưng dài, Tết thanh minh làm bánh Giầy tảo mộ; rằm tháng 7 làm bánh gai cúng tổ tiên; sinh nhật làm bánh trôi. Ngoài ra còn có các món: Đậu phụ xay nấu canh rau cải, mèn mén canh rau bí, thịt treo gác bếp, chân giò treo gác bếp, rượu ngô men lá…
Trong trang phục truyền thống, phụ nữ Dao mặc rất đa dạng thường là áo, yếm, chân quấn xà cạp, cùng các đồ trang sức vàng bạc, khăn vấn đầu... Trang phục của nam giới, thường là chiếc áo ngắn, xẻ ngực, cài cúc trước ngực. Tùy theo từng nhóm mà có sự khác biệt về kiểu thức hoa văn và màu sắc trang phục:
(Trang phục phụ nữ Dao tiền)
Dao Tiền là nhóm Dao duy nhất mặc váy, màu sắc chủ đạo trên trang phục nữ là màu chàm, trắng, in sáp ong vẽ trang trí. Áo màu chàm đen dài thân, xẻ tà và có nẹp nhỏ thêu hoa văn. Khuy áo được làm bằng những đồng bạc, chạm trổ công phu, móc lại với nhau thành hình chéo, bên trong mặc yếm. Váy quây kín, ngắn đến đầu gối, xoè rộng, nửa váy trên màu chàm đen, dưới trang trí in sáp ong chạy chiều ngang hình sóng nước. Kèm theo trang phục là khăn đội đầu, xà cạp, dây lưng và đồ trang sức vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, khuyên tai, nhẫn bạc…
(Trang phục truyền thống Dao đỏ)
Dao Đỏ trang phục màu sắc nổi bật là màu đỏ với áo tứ thân màu chàm dài ngang ống chân, ở viền nẹp ngực, tà áo và đầu ống tay áo được trang trí bằng các họa tiết thêu trang trí. Quần được thêu tỉ mỉ ở nửa dưới của hai ống quần với các hoa văn và họa tiết cầu kỳ. Khăn đội đầu được thêu kín các hoạ tiết trang trí. Để bộ trang phục thêm phần rực rỡ và ấn tượng áo phụ nữ Dao đỏ đính những quả bông len màu đỏ, to tròn được được đặt liền kề nhau, chạy dọc từ vai đến thắt lưng. Những quả bông len này đã tạo ra nét đặc trưng riêng trên trang phục người phụ nữ. Đây cũng là điểm nổi bật để phân biệt người Dao đỏ với các nhóm Dao khác trong cộng đồng người Dao.
(Trang phục truyền thống phụ nữ Dao áo dài)
Nhóm Dao áo dài trang phục màu chàm, pha lẫn sắc đỏ, hoa văn trang trí giản dị, gọn gàng. Áo dài bằng vải chàm đen, dài gần đến mắt cá chân, cổ tròn, khuy áo hình cầu cài về bên nách phải. Vạt thân áo trước và sau cong. Dây lưng bằng vải đỏ, đầu có tua dài thắt trang phục gọn gàng. Quần cùng màu với áo, cắt theo kiểu chân què, cạp lá tọa. Xà cạp bằng vải trắng thêu các họa tiết đơn giản. Khăn đội đầu là một tấm vải chàm đen có can một bản vải đỏ rộng khoảng 5-6cm để khi đội lên, viền đỏ của khăn lộ ra hai bên mang tai; phía trên được thêu hoa văn, chủ yếu bằng các sợi chỉ trắng, xanh, đỏ, vàng, đen. Đồ trang sức gồm vòng cổ, vòng tay, nhẫn... bằng bạc. Nhận thức được việc bảo tồn văn hoá truyền thống, người Dao đỏ ở Bản Ba đã từng bước bảo tồn văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch.
(Gia đình người Mông ở Làng văn hoá du lịch Bản Ba)
Người Mông tại Làng văn hoá du lịch Bản Ba là nhánh Mông hoa chiếm trên 7% dân số. Văn hóa của người Mông đa dạng, phong phú, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và gắn liền với đời sống, sinh hoạt, tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào.
Nói đến văn hóa của dân tộc Mông nổi bật là bộ trang phục với màu sắc rực rỡ, nét hoa văn riêng biệt, nổi bật. Trang phục truyền thống của người Mông được làm từ cây lanh. Trang phục nữ gồm váy, áo, yếm, đồ trang sức, thắt lưng, khăn quấn đầu, dây tua, xà cạp. Trang phục nam áo ngoài được làm từ vải lanh nhuộm chàm màu xanh, đen, có 4 túi; áo sơ mi trắng mặc trong; quần ống rộng, đi giầy vải. Hiện nay, trang phục truyền thống chỉ được dùng chủ yếu trong các ngày lễ lớn, việc cưới và việc tang.
Về kiến trúc nhà ở của người Mông là những ngôi nhà trệt, trình tường đất vững chắc, kín đáo. Nhà có ba gian, một chái, cửa chính ở gian giữa mở vào trong, cửa phụ ở bên trái. Gian giữa nhà là nơi thờ cúng tổ tiên, gian bên không có chái kê giường ngủ, gian có chái là bếp. Người Mông nổi tiếng với các nghề truyền thống như đan lát, thêu dệt, nấu rượu ngô. Món ăn truyền thống của người Mông chủ yếu là ngô đồ (mèn mén), bánh ngô, thắng cố, thịt lợn hun khói, tẩu chúa (cháo bảo), đồ uống là rượu ngô.
Người Mông theo tín ngưỡng nguyên thủy đa thần, chịu ảnh hưởng của đạo giáo phù thủy, trong đó đặc biệt coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những người có công đã khuất, những vị thần bản mệnh của cá nhân, của dòng họ và của dân tộc Mông, coi đó là yếu tố quan trọng nhất cho sự gắn kết cộng đồng, dòng họ và của cả dân tộc Mông. Dân tộc Mông có những quy ước kiêng kỵ chặt chẽ và nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp.
Người Mông có các loại hình nghệ thuật phong phú, thể hiện qua các làn điệu dân ca, hát giao duyên, gảy đàn môi, thổi kèn lá, kéo đàn tre, múa khèn, múa gậy đồng xu, hát ống; các trò chơi dân gian truyền thống như đánh yến, đẩy gậy, bắn nỏ, đi khà kheo... Cùng với đó là các ngày lễ tết đặc sắc mang đậm nét văn hóa riêng như: Tết Âm lịch từ ngày mồng 1 đến mồng 5 tháng Giêng, Rằm 15 tháng Giêng… người dân tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như đánh cù, đánh quay, thổi khèn, múa khèn … Tết truyền thống, là dịp để đồng bào dân tộc Mông nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động hăng say, vất vả, cũng là dịp để ôn lại và củng cố thêm truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời, qua đó tình cảm cộng đồng thêm được gắn kết. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy.
Đến Làng văn hoá du lịch Bản Ba du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của danh thắng quốc gia thác Bản Ba. Dòng thác có chiều dài khoảng 3km gồm các chuỗi thác liên hoàn với 3 tầng lớn, gồm: Tát Củm, Tát Cao, Tát Gió, cùng lúc đổ nước thẳng đứng từ độ cao hàng chục mét xuống lòng thác và có nhiều thác nhỏ xung quanh.
(Tầng thác thứ nhất – Tát Củm)
Tầng thác thứ nhất – Tát Củm được đánh giá là có dáng vẻ hùng vĩ và thơ mộng nhất. Khu vực chân thác thường được người dân địa phương gọi là "Vực rồng" vì có vách đá giống như hình rồng cuốn và có mạch nước ngầm phun ra giống như hình ảnh con rồng phun nước.
(Tầng thác thứ hai: Tát Cao)
Tầng thác thứ hai là Tát Cao, phân chia thành hai nhánh đổ xuống, tựa như hai dải lụa trắng uốn lượn giữa núi rừng. Dưới chân thác có một vực nước trong xanh được gọi là “vực quyên". Đây là nơi lý tưởng để du khách trải nghiệm và thư giãn trên những phiến đá có hình thù độc đáo.
(Tầng thác thứ ba: Tát Gió)
Tầng cuối cùng là Tát Gió chảy dọc theo những phiến đá vôi xuống vực sâu có tên gọi là "Vực Linh" (vực linh thiêng). Tại tầng thác này, du khách có thể đắm mình xuống dòng nước xanh mát, lắng nghe âm thanh của dòng thác đổ và tiếng hót từ các loài chim rừng...
Hiện nay Làng văn hoá du lịch Bản Ba đang từng bước trở thành điểm du lịch hấp dẫn với các điểm tham quan trải nghiệm: Điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba, Đền Bản Ba, nhà trưng bày giới thiệu văn hoá Tày, Dao, Mông, không gian trải nghiệm may thêu truyền thống Kềm Miền Sí, mô hình trải nghiệm văn hoá truyền thống dân tộc Tày và các homestay mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.
Tháng 11/2024, Làng văn hoá du lịch Bản Ba được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển du lịch tại địa phương; mở ra cơ hội mới trong xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm và thu hút đầu tư.
(Không gian trải nghiệm thêu, may truyền thống Kềm Miền Sí)
(Nhà trưng bày, giới thiệu văn hoá truyền thống dân tộc Tày, Dao, Mông)
(Du khách trải nghiệm gói bánh truyền thống tại Không gian trải nghiệm văn hoá dân tộc Tày)
(Nhà lưu trú tại Điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba)
(Săn mây tại đỉnh Nà Tang, Làng văn hoá du lịch Bản Ba)
(Du khách đạp xe tham quan Làng văn hoá du lịch Bản Ba)
Minh Thao