Tết Thanh minh của người Tày

Thứ ba, ngày 13/04/2021 - 11:51
Đã xem: 2,030 views

Tết Thanh Minh, còn gọi là Tết “so slam, bươn slam” (tức mùng Ba tháng Ba âm lịch) là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của đồng bào Tày Tuyên Quang. Vào ngày này, người dân lại sắm sửa mâm cỗ, vàng hương… để tổ chức đi tảo mộ, tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người đã khuất.

Lễ cúng trong ngày tảo mộ thường gồm hai phần: phần cúng ở nhà và phần cúng tại mộ. Đồ cúng tùy thuộc vào hoàn cảnh của con cháu, nhưng thông thường có thịt gà, thịt lợn, hoa quả, bánh kẹo và một món ăn đặc trưng đó chính là xôi nếp đỏ đen, tiếng Tày là “khẩu nua đăm đeng”.

Đặc biệt, để thể hiện tấm lòng thành kính người dân còn nấu xôi nhiều màu sắc (ngũ sắc) được tạo màu bởi các loại lá cây rừng. Vì thế, xôi có mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, ạt xôi bóng đẹp, mềm, dẻo và thơm. Người Tày quan niệm Tết Thanh Minh không thể thiếu xôi đăm đeng, qua mâm xôi như để thầm đánh giá tay nghề cùng sự khéo léo của các nàng dâu.

Xôi ngũ sắc là món ăn không thể thiếu trong mâm lễ dâng tổ tiên vào ngày Tết Thanh minh.

Chị Nguyễn Thị Điện, thôn Soi Trinh, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) cho biết, dù đi lấy chồng nhưng năm nào chị cũng cùng chồng, con về quê tảo mộ. Chia chia sẻ, người Tày quan niệm, chỉ có dịp Thanh minh là những người đã khuất như ông bà, cha mẹ và họ hàng thân thuộc được về gặp mặt con cháu. Do đó, con cháu phải đi tảo mộ và có thể cầu khấn để những người đã chết “phù hộ độ trì” cho con cháu có sức khỏe, mọi việc hanh thông, thuận lợi.

Không như người Kinh hay các dân tộc khác đi tảo mộ vào đúng ngày Tiết Thanh Minh (thông thường ngày Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày), người Tày, đi tảo mộ một ngày duy nhất đó là ngày 3/3 âm lịch. Thông thường, sau khi làm lễ cúng gia tiên xong, mọi người mới bắt đầu đi tảo mộ. Họ đến khu mộ của gia đình từ sớm để thắp hương xin phép thần thổ địa rồi phát cỏ cây, dọn dẹp khu mộ sạch sẽ. Sau đó, kính cẩn thắp hương và bày cỗ, rót rượu khấn mời tổ tiên. Phần lớn các ngôi mộ đều đặt trên đồi, núi xa nhà, nên nhiều gia đình thường thụ lộc ngay bên phần mộ của tổ tiên. Mọi người quây quần thưởng thức lộc và kể cho con cháu chuyện về những người đã khuất, nhắc nhau chăm chỉ lao động, học tập, để xứng đáng và đền đáp công ơn những người đã khuất.

Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn",  ngày này Tết Thanh minh đã trở thành ngày lễ quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của mỗi người con dân tộc Tày ở Tuyên Quang.

Theo TQĐT