Làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân

Thứ năm, ngày 10/10/2019 - 14:40
Đã xem: 1,720 views

Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, những năm qua, huyện Sơn Dương đã thành lập và duy trì các câu lạc bộ (CLB) giữ gìn văn hóa dân tộc tại các xã. Qua đó, không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, mà còn góp phần nhân lên tình yêu dân tộc, thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm.

Các thành viên Câu lạc bộ hát Sình ca xã Đại Phú (Sơn Dương) luyện tập hát, múa làn điệu Sình ca.

Các CLB được thành lập đã phản ánh sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Tiêu biểu là các CLB hát Soọng cô, Sình ca của một số xã như: Đại Phú, Thiện Kế, Ninh Lai, Sơn Nam; hát Then - đàn Tính của các xã Tân Trào, Trung Yên; hát Sli - Lượn xã Bình Yên... 

Được chứng kiến không khí luyện tập hăng say của các thành viên trong CLB hát Sli - Lượn dân tộc Nùng xã Bình Yên, chúng tôi thực sự cảm nhận được sức hút của những làn điệu dân ca trong đời sống của người dân tộc Nùng. Ông Lương Văn Vinh, Chủ nhiệm CLB hát Sli - Lượn dân tộc Nùng xã Bình Yên chia sẻ, từ nhiều đời nay, các làn điệu dân ca, nhất là hát Sli, Lượn luôn giữ một vai trò hết sức quan trọng, không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Nùng. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự giao thoa nhiều luồng văn hóa cho nên các làn điệu, câu hát dân ca dần bị mai một. Năm 2016, CLB hát Sli-Lượn dân tộc Nùng xã Bình Yên được ra đời, đến nay có 20 thành viên tham gia. CLB đã tích cực sưu tầm, dàn dựng, tập luyện và khôi phục lại các làn điệu hát Sli, Lượn. 

Ban đầu mới thành lập, các CLB thường có ít thành viên tham gia, nhưng sau một thời gian duy trì và phát triển, số lượng thành viên tăng dần. Ông Lục Văn Bảy, Chủ nhiệm CLB hát Soọng cô xã Ninh Lai nói, câu lạc bộ được thành lập từ năm 2009, sau 10 năm hoạt động, đến nay đã thu hút trên 100 thành viên tham gia. Thành viên trẻ tuổi nhất CLB mới 8 tuổi và nhiều thành viên khác đã ở tuổi ngoài 80. Mặc dù mỗi thành viên đều bận rộn với công việc riêng của mình nhưng trong các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm vẫn dành thời gian để luyện tập, biểu diễn phục vụ bà con nhân dân địa phương. Sau những ngày lao động sản xuất, mọi người trong thôn tập hợp nhau lại cùng tập hát, múa, truyền dạy chữ viết, tiếng nói dân tộc Sán Dìu. 

Các CLB sinh hoạt theo tháng hoặc theo quý và tập luyện thường xuyên nhân các dịp lễ, Tết để phục vụ người dân địa phương. Thông qua hoạt động, các CLB đã góp phần truyền dạy bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, để các em thêm yêu và gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Em Trương Thị Trà My, thành viên CLB hát Soọng cô dân tộc Sán Dìu xã Ninh Lai cho hay, tham gia CLB em học được rất nhiều bài hát hay, điệu múa của dân tộc, biết được ý nghĩa của từng câu hát, điệu múa, em thêm yêu văn hóa dân tộc mình hơn. Bên cạnh đó, chúng em còn được dạy thêu thùa, may trang phục truyền thống; làm các món ăn dân tộc, chơi các trò chơi dân gian; giữ gìn tiếng nói, chữ viết dân tộc thông qua giao tiếp hàng ngày.

Theo ông Ma Kim Thu, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Sơn Dương, đến nay, toàn huyện có 108 CLB giữ gìn văn hóa. Ngoài giữ gìn tiếng nói, điệu hát, phong tục tập quán, văn hóa dân tộc, các CLB còn thường xuyên tổ chức biểu diễn ở những vùng lân cận, giao lưu với các CLB ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Thông qua lời hát, điệu múa, các CLB còn góp phần tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến người dân; xóa bỏ các hủ tục ở địa phương. 

Mỗi dân tộc có một kho tàng văn hóa phong phú với tập tục sinh hoạt cộng đồng, lễ hội dân gian truyền thống, những câu chuyện cổ tích, những câu hát dân ca, dân vũ mang bản sắc riêng. Việc thành lập các CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đã góp phần thiết thực bảo tồn bền vững những nét văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Đồng thời, đây cũng là điểm nhấn, thu hút khách du lịch về với quê hương cách mạng.

Nguồn: Báo Tuyên Quang