Chảy theo những làn điệu mượt mà của Then, Cọi, khúc trầm bổng ngân vang của Páo dung... ta như cảm nhận được nhịp sống của đồng bào miền núi. Những âm điệu dân ca cứ tha thiết, sâu lắng trong từng sáng tác của nhạc sỹ xứ Tuyên.
Phân hội âm nhạc Tuyên Quang có 10 hội viên, trong đó có hơn một nửa là người dân tộc thiểu số. Nhiều nhạc sỹ có quá trình sống, gắn bó với đồng bào vùng cao, thế nên trong các sáng tác đều mang đậm hơi thở miền núi. Từ khi còn nhỏ nhạc sỹ Tân Điều được đắm mình trong những làn điệu sli, lượn, then mượt mà tha thiết của đồng bào Tày, Nùng. Để rồi những làn điệu ấy luôn ẩn hiện trong từng nhạc phẩm của ông: “Đường về Tân Trào”, “Áo chàm đi hội”, “Vấn vương câu hát ới la”, “Mùa bông”, “Lời suối hát”, “Đánh yến”, “Con gái bản tôi”.
Dựa trên chất liệu dân ca Tày, tiết tấu nhạc rộn ràng, vui tươi, lời ca khúc nhẹ nhàng, trong sáng đã làm nên thành công cho tác phẩm “Đường về Tân Trào”: “Róc rách róc rách tiếng suối ngàn/Thánh thót thánh thót lời chim ca/Chập chùng chập chùng núi cao, đường về Tân Trào...”.
Phóng viên, kỹ thuật viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh biểu diễn ca khúc “Đường về Tân Trào”
của Nhạc sỹ Tân Điều. Ảnh: Quang Hòa.
Đến với nhạc phẩm “Con gái bản tôi”, các làn điệu dân ca được vận dụng một cách linh hoạt và nhuần nhuyễn, làm cho giai điệu, ca từ trở nên mượt mà: “Con gái bản tôi ai ai cũng khéo/Nắng gắt trên lưng chưa rời rẫy nương/Ríu ra ríu rít bên giàn khung cửi/Dệt nên cuộc sống với bao tiếng cười”. Nhạc sỹ Tân Điều đã tái hiện không gian văn hóa miền núi đậm đặc khi khéo léo thêm ngữ điệu cảm thán của người Tày như “a lúi” sau mỗi câu hát.
Nói đến nhạc sỹ Vương Vình, người yêu nhạc nhớ đến nhiều tác phẩm sáng tác phát triển từ chất liệu dân ca các dân tộc: Tày, Dao, Mông, Cao Lan, Pà Thẻn... Các ca khúc: “Lời ru bên dòng Lô”, “Xuống chợ”, “Tiếng khèn”, “Giấc mơ đại ngàn”... Lắng nghe từng giai điệu ta có thể nhận thấy sự dụng công của tác giả trong việc sưu tầm chất liệu văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc. Vương Vình đã có những ca khúc như: “Núi rừng vang tiếng Páo dung” phát triển dân ca Dao, “Lời Sình ca em hát” phát triển từ dân ca Cao Lan, “Xuân về phiên chợ vùng cao” phát triển dân ca Mông... Mỗi khi được thưởng thức nhạc phẩm của ông, người nghe cảm nhận được hương sắc núi rừng.
Ca khúc “Xuân về em hát lời Then” được ông vận dụng các làn điệu dân ca một cách linh hoạt. Nghe ca khúc này ta được thổn thức cùng âm thanh cao vút, da diết: “Mùa xuân về em hát lời Then/Lời Then ngọt ngào bay theo gió ơi/Cho lời ca vang khắp núi rừng để lời then vang mãi bản làng em”.
NSƯT Đinh Tiến Bình đã có nhiều tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc như: “Tuyên Quang nhớ ơn Bác Hồ”, “Mộng mơ hồ Nà Hang”, “Hàm Yên vui chọi trâu”, “Lăng Can quê tôi”, “Sơn Dương mình ơi”, “Hàm Yên trăm mến ngàn thương”, “Hương sắc Tuyên Quang”... Ông quan niệm, tác phẩm âm nhạc giống như con tằm ăn lá dâu, nhả tơ, quay sợi, dệt nên tấm vải đẹp. Có được những nhạc phẩm đó, ông phải lặn lội xuống các bản, làng xa xôi, hẻo lánh để gặp gỡ, trao đổi và chắt lọc từng làn điệu dân ca, quan sát nét sinh hoạt văn hóa của từng dân tộc.
Với giai điệu rộn ràng tươi tắn, ca khúc “Tuyên Quang nhớ Bác” (lời thơ Lý Văn Binh) thực sự “lan tỏa” trong công chúng. Dựa trên điệu Then “ới la…”, ca khúc là tiếng lòng tôn kính của con người miền núi Tuyên Quang dành cho vị lãnh tụ vĩ đại: “Ới la ngày Bác Hồ về quê ta đó, đất nước ta, Người xót xa sống cuộc đời lầm than kiếp nô lệ. Ới la... Đình Tân Trào, ngòi Thia, sông Đáy in dấu chân Người. Lán Nà Nưa vẫn còn đây ấm hơi Người”.
Tăng Thình đã sáng tác nhiều bài hát sử dụng đậm đặc chất liệu dân gian của dân tộc Tày như: “Áo Chàm”, “Chiêm Hóa mồng 8 tháng Giêng”, “Tìm em ở hội xuân”... Với ca từ trong sáng, giai điệu vui tươi, bài hát “Tiếng đàn Then” để lại bao xúc cảm trong mỗi người. Tác phẩm khắc họa được không gian văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc Tày: “Bầu đàn tròn như trăng rằm, cần đàn dài nặng gánh nghĩa tình. Tiếng đàn then tính tính, âm vang âm vang từ ngàn xưa...”. Viết về chủ đề biển đảo, Tăng Thình có sáng tác bài hát “Điệu hát Then tới đảo Trường Sa”. Tác phẩm mang âm hưởng của núi rừng gửi tới khơi xa. Dựa trên chất liệu dân ca Tày mộc mạc, ca khúc là sự sáng tạo độc đáo khiến người nghe bồng bềnh giữa hai miền cảm xúc. Đó là người em gái Tày duyên dáng bên chiếc đàn Tính và người lính đảo nghiêm trang cầm chắc tay súng bảo vệ biển trời Tổ quốc: “Tiếng hát em lướt trên ngọn sóng/Lượn bồng bềnh theo cánh hải âu/Điệu hát Then mang tình rừng núi/Đến bên anh lính đảo Trường Sa...”.
Với những giai điệu bình dị, hình ảnh cuộc sống sinh động của đồng bào các dân tộc đã trở thành chất liệu quý cho mỗi nhạc sỹ khi khai thác mảng đề tài dân tộc thiểu số, miền núi. Hy vọng trong thời gian tới, các nhạc sỹ tiếp tục cho “ra lò” nhiều nhạc phẩm đậm chất xứ Tuyên.
Theo TQĐT