Là một trong 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La diễn ra vào mùa xuân, thu hút hàng vạn người dân thành phố Tuyên Quang và du khách bốn phương.
Là một trong 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La diễn ra vào mùa xuân, thu hút hàng vạn người dân thành phố Tuyên Quang và du khách bốn phương.
Đến dự lễ hội, du khách được nghe câu chuyện kỳ ảo nửa thực nửa hư lưu truyền bao đời trong dân gian:Thời nhà nước Văn Lang, nhân ngày đẹp trời, vua Hùng cho hai công chúa là Phương Dung và Ngọc Lân theo đi kinh lý vùng biên ải. Thuyền ngự đỗ bến Tam Cờ. Đêm, bỗng nhiên bão nổi, mưa tuôn, đất trời mù mịt, áng mây sà xuống đưa hai công chúa về tiên giới. Chứng kiến điềm trời linh dị, dân chúng bèn tạc tượng, lập đền thờ phụng. Đền thờ Phương Dung ở phía hữu ngạn sông Lô, thuộc địa phận xã Ỷ La (nay là phường Tân Quang); đền thờ Ngọc Lân ở phía tả ngạn thuộc địa phận xã Tình Húc (nay là xã Tràng Đà). Từ khi đền dựng người dân cầu đảo phần nhiều ứng nghiệm.
Về sau, phải lúc loạn lạc, phải đưa tượng thần đi lánh nạn nơi đồng xa khuất nẻo. Đất nước yên bình, định rước tượng thần về thì chỉ thấy gò đất nhỏ hao hao dáng người. Thêm chuyện lạ kỳ, bèn dựng một ngôi đền thứ ba tại đó - là đền Ỷ La.
Đến thời nhà Nguyễn, tổng đốc Lê Văn Đức cầm quân đánh dẹp khởi nghĩa Nông Văn Vân vào đền cầu đảo. Thắng trận, hồi kinh, Đức đem việc tâu lên vua Minh Mạng. Vua xuống chiếu sắc phong cho thần làng Ỷ La là Hiệp Thuận chi thần, sắc phong thần đền Tình Húc là Hiệp Linh chi thần và ban cho tế lễ hội hè từ ngày 12 đến ngày 16 tháng Hai và tháng Bảy hằng năm. Lễ hội rước Mẫu Đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La bắt đầu từ đó.
Ảnh: Quang Minh
Mấy ngày trước lễ, không khí chuẩn bị đã rộn rịp. Nào sắm sửa đồ lễ, trang phục, tắm gội cho thanh sạch, thơm tho. Tại đền, thủ từ làm lễ Mộc dục (tắm tượng), lễ Cáo yết.
Sớm ngày 12, chiêng, trống nổi lền dồn dã. Tiền đội là hai chú kỳ lân sắng sởi nhào lộn gây không khí tưng bừng ngay khi đoàn rước xuất phát.
Đi đầu là kiệu Long đình, sơn son thếp vàng rực rỡ, đặt bài vị Mẫu đền Ỷ La choàng áo đỏ, che khăn lụa đỏ. Kiệu đặt trên vai bốn thiếu nữ xinh tươi quần là áo lượt. Hai mươi thanh niên trong đội hộ vệ đầu đội nón dấu, mặc áo đậu nẹp đỏ, người che lọng, người cầm cờ đi hai bên kiệu.
Theo sau là kiệu Nhang án do bốn thiếu nữ khiêng, khói trầm nghi ngút, với mâm ngũ quả, cùng nón ba tầm, khay trầu, gương, lược - những vật dụng Mẫu thường dùng - đặt bên bình nhang. Chủ tế, quan viên, các cụ cao tuổi, áo dài, quần the, khăn xếp đi cùng kiệu.
Kiệu Võng đào rước sau cùng, chân kiệu là bốn thiếu nữ. Xen giữa các kiệu có những thanh niên dáng bộ oai nghiêm cầm biển, biểu, lỗ bộ, chấp kích, bát bửu.
Đoàn rước đi trong rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống hòa cùng tiếng kèn, nhị do phường bát âm tấu liên hồi và chỗ nào cũng phấp phới cờ tiết, cờ mao, cờ ngũ hành.
Sau cùng là các bà, các chị mặc áo mớ ba, mớ bảy cùng khách thập phương nô nức kéo theo tống giá. Dọc hai bên đường các bàn đặt mâm lễ bày thành hàng, khi kiệu Mẫu rước tới, người người già trẻ nét mặt rạng rỡ thành kính bái lạy.
Thứ tự giống như thế, cùng thời điểm, đoàn rước Mẫu đền Thượng khởi hành. Chỉ khác ở chỗ, bài vị Mẫu choàng áo trắng, che khăn lụa trắng.
Khi hai đoàn rước đến, chủ tế đền Hạ ra nghênh đón rồi Bài vị Thánh Mẫu đền Ỷ La đưa vào đặt bên phải cung, Bài vị thánh Mẫu đền Thượng đặt bên trái.
Chủ tế mặc màu đỏ, bồi tế, nội tán mặc áo màu tím. Tất cả đội mũ kiểu phốc đầu, áo màu xanh lam tay thụng, quần trắng kiểu ống sớ, đi hia.
Lễ tế Thánh Mẫu bắt đầu khi nội tán xướng:
Khởi chinh cổ - nổi trống chiêng.
Hành sơ hiến lễ - cử hành lễ ban đầu - chủ tế rót rượu, châm hương. Khói hương nghi ngút là thời điểm âm dương giao hòa, thánh thần xuất hiện.
Nghinh thần cúc cung bái - chủ tế, bồi tế sụp lạy.
Tiến tửu, hiến tửu - chấp sự đưa đài rượu cho chủ tế, chủ tế vái một vái rồi trao lại cho chấp sự. Chấp sự nâng đài rượu đi vào nội điện, rồi quay ra.
Hưng, bình thân, phục vị - đứng lên, ngay ngắn, trở lại vị trí.
Tiếp theo xướng lễ lặp lại hai lần. Tuần dâng hương, dâng rượu thứ hai là Á hiến lễ. Tuần dâng hương, dâng rượu thứ ba là Chung hiến lễ.
Ẩm phúc và Thụ tộ - chủ tế cầm lấy chén rượu vái, lấy tay áo che miệng uống một hơi hết; cầm khay trầu vái rồi ăn một miếng trầu.
Tạ lễ cúc cung bái - chủ tế và bồi tế cùng vái bốn lạy.
Đọc chúc - chấp sự vào nội điện kính cẩn bưng bản văn tế dán trên bảng chúc ra cho tế chủ, chủ tế cầm lấy vái một vái rồi trao cho người đọc.
Người đọc giọng ấm, truyền cảm, thỉnh các vị Thánh Mẫu, Thiên thần, Nhân thần được thờ tại đây về dự lễ và phù hộ cho trăm họ muôn dân.
Văn tế đọc xong, chủ tế lạy hai lạy rồi lui ra phía ngoài.
Phần chúc - người đọc mang bản văn đi hóa. Mọi người hướng mặt, nhìn vào nơi hóa để chứng kiến.
Lễ tất - tế lễ đã xong. Chủ tế vái tạ và xin được hạ lễ để phát lộc. Đến đây mọi người vào lễ theo thứ tự.
Trình tự tế lễ diễn ra hết sức nghiêm cẩn, tuyệt đối không để sai sót. Các lễ vật dâng lên phải được kiểm tra kỹ càng; chủ tế và quan viên phải rửa tay, lau tay sạch sẽ mới vào tế; trải bốn chiếc chiếu cói mới thành hàng dọc trước Ban Công đồng. Trong đó, chiếu nghênh thần, chỗ chủ tế hành lễ; chiếu thụ tộ, chỗ chủ tế thụ lộc; chiếu phục vị, điểm chủ tế xuất phát, trở về; chiếu Bồi tế, chỗ bồi tế hành lễ. Từng động tác, cử chỉ, bước đi nhất nhất thực hiện theo lời xướng của Nội tán. Lúc nào chủ tế, các quan viên, ban nhạc đứng vào vị trí; lúc nào quỳ lạy, đứng lên. Khi chuyển từ chiếu dưới lên chiếu trên chủ tế phải bước lên bên phải, khi trở xuống, bước ra khỏi chiếu trở về phía bên trái v.v...
Phần hội, có nhiều trò chơi tổ chức tại sân đền Hạ từ đầu giờ chiều ngày 12. Múa Lân, đội múa có 10 người cùng trống, chiêng, thanh la, não bạt, thể hiện sự vui nhộn và cả phần linh thiêng, trang trọng. Đấu vật: Trên sới, hai đô vật giao đấu vờn nhau, lừa miếng, rồi dùng hết lực quật ngã đối thủ trong tiếng reo hò vang dậy. Đánh cờ người: Quân cờ là những nam thanh, nữ tú trang phục phù hợp với vai mình đóng và cờ cầm trượng trên gắn biểu tượng quân cờ, đứng trên sân rộng vẽ bàn cờ. Trước khi vào vị trí cả đội múa theo tiếng trống, đàn, phách. Một hồi trống nổi lên, hai đấu thủ mặc áo dài, khăn xếp đứng lên ra mắt, xưng danh. Mỗi người cầm một cây cờ đuôi nheo chỉ huy quân cờ di chuyển. Quanh sân, khán giả hàng ngồi, hàng đứng chăm chú dõi theo cuộc đấu trí giữa tiếng trống thúc giục. Trò chơi kéo co: Mỗi đội gồm có từ 9 đến 11 người. Trọng tài kẻ một đường làm ranh giới giữa hai đội, nếu đội nào bước qua vạch là thua.
Cuộc đấu diễn ra sôi nổi, chiêng, trống khua vang cùng tiếng reo hò cổ vũ của đám đông người xem. Chọi gà, là một thú chơi tao nhã, tiêu khiển lại vừa khuyến khích việc chăn nuôi. Trò chơi thu hút đông đảo người tham dự. Hát Chầu văn: Là thể loại âm nhạc truyền thống có hát thi, hát thờ và hát lên đồng. Hát thi, thường là hát đơn; Hát thờ trước khi vào các giá lên đồng. Hát lên đồng dùng trong quá trình thực hiện nghi lễ. Cung văn vừa hát giỏi vừa biết chơi nhạc cụ. Dàn nhạc gồm đàn nguyệt, nhị, trống, phách. Lời văn thường theo lối thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn. Giai điệu hát văn mượt mà, có lúc dồn dập, khoẻ khoắn. Trong khói hương nghi ngút, lời ca, tiếng nhạc, điệu múa hòa quyện tạo không khí tâm linh thành kính.
Lễ hoàn cung vào ngày 16. Trước cửa đền Hạ. Thủ nhang đền Hạ lần lượt giao bài vị, long ngai, bát hương cho hai đoàn. Khi xuất phát thì kiệu Mẫu đền Thượng đi trước. Đến ngã tư diễn ra lễ trạm kiệu diễn tả các Thánh Mẫu chào nhau. Sau đó, kiệu Thánh Mẫu hai đền theođường cũ trở về. Ngày 20 cả ba đền mở tiệc khao quân, phát lộc. Kết thúc hội: Chủ tế và những người giúp việc làm lễ tạ, rước Thần vị, long ngai Thánh Mẫu vào hậu cung.
Lễ hội rước Mẫu là dịp gặp gỡ, giao hòa giữa con người với con người, mối dây liên hệ về mặt tinh thần luôn được nối bện bền chắc, mang giá trị cố kết cộng đồng cao. Mọi người đều có chung một niềm tin, cùng một tình cảm trước biểu tượng Mẫu thiêng liêng, tất cả chung tay tham gia vào lễ hội, giao hòa tinh thần giữa người với người, giữa thế giới thực tại và thế giới thần linh./.
Theo TQĐT