Nếu như Nghệ An có ví dặm, Bắc Ninh có quan họ, Phú Thọ có hát xoan, thì Tuyên Quang không thể thiếu Then của dân tộc Tày. Vừa qua, thực hành Then được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Thẩm, thôn Nà Đồn, xã Thanh Tương (Na Hang) giải thích, “Then” là thiên, trời. Vì thế, hiểu theo ngôn ngữ của đồng bào thì Then là điệu hát của thần tiên, của nhà trời ban tặng nhân gian. Then phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình Thầy Then dâng lễ vật và cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng, dòng họ, gia chủ trong đời sống, sản xuất, sức khỏe. Người ta chia Then theo hình thức thể hiện: Then quạt, Then Tính hay Then cầu yên, Then lễ hội, Then tàng bốc hay Then tàng nặm (đường thủy hay đường bộ).
Tái hiện Nghi lễ Then trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch huyện Na Hang năm 2019.
Ảnh: Quốc Việt
Then còn được nhìn nhận như một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều bộ môn nghệ thuật từ văn học, âm nhạc, múa tới hội họa và trình diễn. Người hát Then trong những dịp lễ là người đại diện cho cộng đồng giao tiếp với thần linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc. Nhạc cụ chính sử dụng trong hát Then là đàn Tính. Then được trao truyền bằng hình thức truyền khẩu khi thực hành nghi lễ Then, thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ. Từ các bài Then cổ dùng trong các buổi cúng, các nghệ nhân Then ngày nay đã “phóng tác” ra các bài hát Then mới để quảng bá rộng rãi trong đại chúng. Giờ Then mới phát triển như một “dòng âm nhạc” tiêu biểu của đồng bào Tày; dễ học, dễ hát, dễ đi vào lòng người và mang bản sắc vốn có của người Tày.
Trước kia một số nhà khoa học thường gọi là nghệ thuật hay nghi lễ Then. Nhưng ngày nay Then được nâng tầm thành di sản với nghĩa nội hàm vô cùng rộng. Chẳng hạn kiến trúc nhà sàn cũng thể hiện không gian của di sản Then. Từ xưa đến nay Then vẫn trường tồn với thời gian. Lý giải về điều này, Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, thôn Tân Hợp, xã Tân An (Chiêm Hóa) khẳng định, vì Then liên quan đến các bài cúng, thể hiện đến tín ngưỡng, tâm linh của người Tày. Mà cúng trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thì truyền từ đời nọ sang đời kia. Vì thế Then luôn có tính trường tồn.
Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, thôn Tân Hợp, xã Tân An (Chiêm Hóa) truyền dạy Then cho các cháu.
Muốn làm thầy Then thì dòng họ đó phải thờ phi Then. Người muốn làm Thầy Then phải thực sự có năng lực, uy tín và có sự giao lưu với thần linh. Để làm thầy Then phải có lễ cấp sắc do thầy phù thủy, thầy Pụt, thầy Then cao tay làm. Thầy Then phải biết đọc sách cổ, chữ Nho, biết xem hướng, ngày đẹp, vận mệnh, tướng số. Vì vậy, trong đời sống của đồng bào Tày Tuyên Quang, thầy Then có vai trò vô cùng quan trọng. Ông Then, bà Then có thể “cầm đầu ma” cho cả gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản. Mọi xui hên của năm đều do thầy Then giải mã, quyết định.
Khoảng gần 20 năm trở lại đây, phong trào “phóng tác” Then cổ thành các bài hát Then mới phát triển khá nhanh chóng ở các địa phương trong tỉnh. Vì lời bài hát dễ đi vào lòng người. Các bài hát ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, quê hương đất nước đổi mới xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều nghệ nhân Then tích cực sáng tác và truyền dạy hát Then, chơi đàn Tính cho con cháu, thanh niên địa phương. Các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính được thành lập, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống người dân.
Theo Bà Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Then được tỉnh Tuyên Quang chú trọng trong những năm qua. Đến nay, toàn tỉnh có 75 câu lạc bộ hát Then, đàn Tính được thành lập. Sở Giáo dục và Đào đạo phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Then vào trường học. Tỉnh thường xuyên tổ chức các liên hoan hát Then, đàn Tính cấp tỉnh, huyện, xã để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng có dịp giao lưu. Ở các sự kiện lớn của tỉnh, Then luôn có vai trò lớn trong các chương trình văn nghệ, trình diễn. Việc tôn vinh nghệ nhân và truyền dạy hát Then, đàn Tính đã đi vào chiều sâu và trở thành phong trào lan rộng tại cơ sở. Chiếc đàn Tính ngày nay cũng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo đối với khách du lịch mỗi khi tới Tuyên Quang.
Trong các tỉnh đất Then, Tuyên Quang có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Then trở thành di sản thế giới. Cụ thể năm 2015, Tuyên Quang đứng ra đăng cai Liên hoan hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ V gắn với Lễ hội Thành Tuyên. Trong hội thảo khoa học, Tuyên Quang đã đề xuất cùng các tỉnh đất Then làm chung hồ sơ trình UNESCO công nhận Then là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các tỉnh đất Then nhất trí đề cử Tuyên Quang là tỉnh đầu mối phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học hoàn thiện hồ sơ. Sau một thời gian dài đi khảo sát, hội thảo, làm hồ sơ khoa học, mới đây người dân của các tỉnh đất Then vỡ òa trong hạnh phúc. Ngày 13-12-2019 tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO diễn ra tại thủ đô Bogota, Cộng hòa Colombia, Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tết Canh Tý 2020 đã về trong mỗi bản làng, gia đình. Trong tiết trời ấm áp của mùa Xuân, lời Then đi hội cùng tiếng đàn Tính lại văng vẳng đâu đây, như thúc giục bước chân mỗi người. Năm nào cũng vậy, thầy Then lại làm lễ trong Lễ hội Lồng tông đầu năm, cầu mong cho cả cộng đồng một năm sức khỏe, an lành, hạnh phúc, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ.
Theo TQĐT