Mùa xuân này thật đặc biệt với người Dao đỏ ở Tuyên Quang bởi nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của họ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là động lực để đồng bào Dao đỏ duy trì, phát triển nghề thêu trang phục truyền thống.
Những ngày giáp Tết, các bản làng người Dao như rộn ràng hơn bởi những đoàn khách ghé thăm. Thấp thoáng hai bên đường bê tông phẳng lì là nếp nhà của đồng bào Dao nổi bật bởi những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ được treo ngay ngắn trước hiên nhà. Mỗi thềm nhà, bậc cửa đều có bóng dáng những người phụ nữ Dao đỏ khéo léo đưa từng đường kim mũi chỉ.
Lễ đón nhận nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Quang Hòa
Ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Dao dẫn chúng tôi đến gặp bà Phùng Thị Tòng, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang), một trong những cao niên thêu giỏi nhất làng. Bà vừa thoăn thoắt hoàn thiện chiếc khăn đội đầu, vừa giới thiệu cho chúng tôi về sự độc đáo của họa tiết hoa văn trên trang phục truyền thống.
Trang phục của phụ nữ Dao đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Mỗi trang phục có 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Theo quan niệm của người Dao đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người. Chiếc áo là điểm nhấn và là phần quan trọng nhất của bộ trang phục. Người phụ nữ Dao đỏ có cách thêu rất độc đáo, không theo mẫu mà thêu theo trí tưởng tượng của mình. Với mô típ là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với đời sống như hoa lá, cỏ cây, rừng núi, loài động vật... Do đó, mỗi bộ trang phục khác nhau ở hoa văn, người thêu luôn cố gắng sắp xếp hài hòa, tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục sao cho hài hòa, tươi sáng.
Ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao cùng với vợ trong một lần giao lưu, tìm hiểu về văn hóa Dao tại xã Hồng Thái (Na Hang).
Để biết được độ tinh xảo, kỹ thuật thêu cầu kỳ phải kể đến chiếc quần. Phía trên quần màu đen tuyền, không có hoa văn, nhưng ở phía dưới, họa tiết được thêu rất tỉ mỉ. Những hoa văn trang trí ở hai ống quần thường là hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng hay hình cây thông, hình quả trám... tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ trang phục. Khăn đội đầu là một trong những phụ kiện không thể thiếu của phụ nữ người Dao. Khăn được trang trí bằng nhiều họa tiết như cây vạn hoa, hình cách đoạn, hình vết hổ... Khi đội lên đầu, các hoa văn họa tiết sẽ phô ra ngoài, làm tăng thêm vẻ đẹp của chiếc khăn.
Bà Tòng cho biết thêm, với người phụ nữ Dao đỏ, chuyện ăn mặc rất được coi trọng, thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ. Những cô gái ở độ tuổi lên chín, lên mười đã được các bà, mẹ truyền dạy may vá thêu thùa. Và khi đến tuổi “cập kê” cũng là lúc các thiếu nữ biết làm những trang phục đẹp cho riêng mình. Vì vậy, trước khi lấy chồng, họ được “đặc cách” trong khoảng một năm trời chỉ để thêu quần áo. Song, chính sự cầu kỳ trong họa tiết hoa văn cộng với những lo toan của cuộc sống đời thường khiến những người phụ nữ Dao đỏ biết thêu cũng dần ít đi - bà Tòng trăn trở.
Đây cũng là trăn trở lớn nhất của chị Chúc Thị Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Lập (Lâm Bình). Chị bảo, toàn hội có 364 hội viên, trong đó hơn 40% hội viên là người Dao đỏ. Chị ấp ủ dự định không chỉ duy trì, phát triển nghề thêu trang phục truyền thống mà còn làm sao để hội viên có thu nhập từ chính nghề này. Tới đây, chắc chắn hội sẽ có rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc vận động hội viên phụ nữ Dao đỏ gìn giữ nghề thêu trang phục trong chính mỗi gia đình. Xa hơn, để du khách khi đến với Lâm Bình, không chỉ tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp của hồ sinh thái Lâm Bình mà còn trải nghiệm homestay của đồng bào dân tộc, bị cuốn hút bởi những trang phục độc đáo, sặc sỡ của người phụ nữ Dao.
Phụ nữ Dao đỏ thôn Khuổi Hỏi, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) thêu trang phục truyền thống. Ảnh: Trần Liên
Giữ nghề thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ cũng là nội dung lớn được Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh thực hiện từ khi thành lập đến nay. Gánh trên vai trọng trách lớn lao này, ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ kỳ vọng, nếu làm bài bản thì nghề thêu trang phục có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Bởi hiện nay người Dao ở Tuyên Quang có khoảng 90.600 người, với 9 ngành Dao, trong đó người Dao đỏ sống tập trung chủ yếu ở xã Sơn Phú, Sinh Long, Hồng Thái, Đà Vị (Na Hang) và xã Thổ Bình, Xuân Lập, Phúc Yên, Lăng Can (Lâm Bình); Phúc Sơn, Tân Mỹ, Hùng Mỹ (Chiêm Hóa); Bạch Xa, Minh Khương (Hàm Yên)...
Trang phục người Dao đỏ ở mỗi địa phương cơ bản đều giống nhau, tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sắc màu văn hóa Dao. Vì vậy, những câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Dao ở cơ sở phải là nòng cốt, phối hợp cùng các xã có dân tộc Dao đỏ mở lớp dạy thêu, những người cao tuổi sẽ là người hướng dẫn, truyền cảm hứng dạy lớp trẻ biết thêu.
Thực tế cho thấy, sau khi Nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao và nghệ thuật trang trí trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thì du khách đã đến với bản làng Dao nhiều hơn. Họ đều muốn được trải nghiệm nghề thêu, hòa mình vào lễ cấp sắc và say cùng làn điệu Páo dung. Nếu khai thác tốt lợi thế này sẽ mở ra cơ hội lớn thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm văn hóa Dao nói riêng và tìm hiểu, khám phá mảnh đất, con người Tuyên Quang nói chung.
Tạm biệt bản làng người Dao, tạm biệt những người đau đáu với văn hóa Dao, trong tôi vẫn vẳng lời hát Páo dung do chính ông Bàn Xuân Triều tự biên, tự diễn:
“Tồ lầy gòi khoa siên nin tháo
Nhần nhần phàng vủi quía siên nin
Sơn liềm viện ây nhần viện ấy
Tồng dòi viện ấy mẫy teo lìn”
Dịch nghĩa:
“Mận đào khoe sắc xuân mới đến
Người người hớn hở đón mừng xuân
Rừng cây thay lá đâm chồi lộc
Người người kỳ vọng bao ước mơ”
Câu hát Páo dung cũng chính là niềm mong ước của bà con người Dao về một mùa xuân mới với những kỳ vọng về một làng bản phát triển.
Theo TQĐT