Đường về nhà chồng của cô dâu người Dao

Chủ nhật, ngày 19/01/2020 - 09:55
Đã xem: 2,254 views

Những câu Páo Dung năm ấy như lời ước hẹn của đôi trai gái bản Dao Nắc Con, Yên Lâm (Hàm Yên). Để rồi vào ngày đẹp, tháng tốt, cô dâu Đặng Thị Nguyệt theo về nhà chồng cùng bản là anh Triệu Văn Phong.

Trong tiếng Dao, lễ cưới được gọi là “áy cón”. Già làng Triệu Văn Quý cho biết, “thanh niên người Dao được tự do tìm hiểu, yêu đương. Khi ưng nhau rồi thì về thông báo với gia đình tìm người làm mai mối sang nhà gái hỏi vợ. Nhưng làm lễ cưới thì nhất nhất phải tuân theo tục lệ lâu đời của người Dao”.

Trong lễ cưới, nhà cửa của người Dao được trang hoàng đẹp đẽ, có dán các miếng giấy đỏ ghi những dòng chữ chúc mừng hạnh phúc cho đôi trẻ. Tìm đến gia đình ông Triệu Văn Tham. Ông Tham đang tất bật cùng gia đình chuẩn bị đám cưới cho cậu con trai đầu là Triệu Văn Phong. Người Dao rất coi trọng phụ nữ nên trong đám cưới nhà trai sẽ thực hiện những lễ nghi trang trọng nhất để làm vừa lòng cô dâu và đoàn rước dâu nhà gái.



Tại gia đình ông Triệu Văn Tham, mọi người tất bật chuẩn bị sính lễ để đến nhà gái.
Sính lễ bao gồm vòng bạc, tiền, trầu cau, rượu…

Để chuẩn bị cho buổi rước dâu, ngay từ sáng sớm tại gia đình chú rể đã nhộn nhịp người ra, người vào. Các bà, các mẹ bận rộn với việc chuẩn bị sính lễ, còn cánh đàn ông, thanh niên thì chuẩn bị trang phục cho chú rể, trưởng đoàn, phó trưởng đoàn, phù rể… Đặng Văn Hiện là Phó quan làng, ông nói, trang phục của chú rể và phù rể mặc áo cánh màu chàm đen dài, đầu đội khăn vải quấn tròn theo kiểu khăn xếp. Áo cánh mặc với quần trắng được cắt theo kiểu quần thụng, ống rộng dài.

Còn cô dâu Đặng Thị Nguyệt thức dậy từ sáng sớm để trang điểm. So với chú rể, trang phục của cô dâu cầu kỳ, phức tạp hơn nhiều. Chị Nguyệt chia sẻ, trước khi về nhà chồng, cô dâu phải tự tay dệt vải, khâu vá, thêu thùa để làm ra những bộ trang phục đẹp nhất. Trang phục của cô dâu gồm: áo cánh, quần cộc, khăn đội đầu, dây lưng và một số đồ trang sức trang trí. Áo cánh của cô dâu được cắt theo kiểu áo bốn thân, xẻ tà hai bên hông. Áo được cắt theo kiểu áo thụng chiết eo, dưới hơi loe kéo dài quá hông. Điều đặc biệt, theo phong tục của người Dao, ngày cưới cô dâu thường mặc từ 3 - 5 bộ quần áo, thể hiện sự sang trọng, giàu có, quý phái của gia đình. Hai người phụ dâu luôn đồng hành cùng cô dâu để giúp cô dâu thay trang phục.



Ở mỗi nhà, cô dâu và chú rể chuẩn bị trang phục.

 Chọn được giờ đẹp, đoàn nhà trai bắt đầu khởi hành sang nhà gái để đón dâu. Đoàn nhà trai, gồm: thầy quan làng làm trưởng đoàn, thầy phó trưởng đoàn, 4 bạn phù rể, 2 bạn rể nhỏ. Theo quan điểm của người Dao, việc chọn người làm thầy quan làng rất quan trọng. Đó là người đã được cấp sắc, biết nhiều bài cúng, có cuộc sống gia đình hạnh phúc, được dân làng tôn trọng, quý mến. Đặc biệt, người được chọn làm quan làng sẽ được cô dâu, chú rể gọi là bố mẹ và chăm sóc, thờ cúng suốt đời.

Thầy quan làng Vi Văn Vui dẫn đầu đoàn nhà trai. Thầy vừa đi vừa cầm bùa giấu vào áo. Trên đường đi, thầy cho đoàn dừng lại để làm lễ, đốt vía độc. Đây là một nghi lễ hết sức quan trọng, cách thức làm phép để xua đuổi tà ma. Đến chân cầu thang, chú rể được thầy quan làng đội áo vàng đợi người nhà gái ra đón (gọi là ông tiếp). Theo lý giải của anh Vi Văn Vui thì màu vàng tượng trưng cho sự sang trọng, may mắn. Chiếc áo vàng sẽ giúp chú rể tránh phải gió độc, không bị cảm, có sức khỏe tốt.



Đoàn nhà trai sang nhà gái.

Thời gian đoàn nhà trai đứng đợi ở chân cầu thang lâu hay không phụ thuộc vào sự ứng xử thông minh khéo léo khi “ông tiếp” đưa ra những thử thách. Có khi là câu đố, câu hát, một lượng tiền lót đường nhỏ để lấy vía… Ngoài những câu đối đáp xã giao thì một số câu khó như:

Nhà gái đố: Cái gì biết kêu mà không thấy?

Nhà trai trả lời: Sấm kêu mà không thấy mặt. Mặt trời thấy mà không kêu.

Nhà gái đố: Các ông đi ngựa có cái gì?

Nhà trai trả lời: Chúng tôi đi ngựa có cái yên...



Đoàn nhà trai đứng ở chân cầu thang, lắng nghe những thử thách của nhà gái.

 Sau khi vượt qua được thử thách, đoàn nhà trai được phép lên bậc cầu thang và cùng với cô dâu làm các lễ nghi đặc biệt và khá thú vị. Lên nhà, ông thầy bên nhà gái ra đón và làm phép, nhà trai đưa lọ rượu ngọt được bịt kín. Ông thầy nhà gái nhận và đặt dưới bàn thờ Bàn Vương họ. Chú rể và hai bạn rể nhỏ vào buồng nhỏ đã được định sẵn để đợi cô dâu.



Chú rể và các bạn rể nhỏ vào buồng đợi cô dâu.

 Đến giờ đã định, cô dâu vào gặp mặt chú rể (gọi là chạm mặt), chú rể trùm khăn lên trên đầu, cô dâu mặc quần áo cưới đội mũ có sừng, tay cầm quạt che mặt tiến vào phòng chú rể, nhìn mặt rất nhanh xong liền chạy vụt ra. Nghi lễ này diễn tả lại sự e ấp thẹn thùng trong những ngày đầu gặp mặt của đôi trai gái. Bên ngoài thầy cúng báo cáo Bàn Vương, bên trong buồng nghi lễ này được lặp lại để thể hiện sự tìm hiểu chín muồi trong tình yêu của đôi uyên ương.



Cô dâu và các phù dâu bước lên nhà sàn để ra mắt mọi người.

 Thêm một điều đặc biệt trong đám cưới người Dao, đó là sau khi làm xong mọi thủ tục ở nhà gái, chú rể một mình lẳng lặng ra về, việc đón rước cô dâu đã có các bạn rể nhỏ, phù rể, phù dâu đảm nhiệm. Đoàn người đón dâu đưa cô dâu ra cửa. Trên đường về, đoàn đưa dâu phải tuân theo những kiêng kị nhất định như: phải đi thẳng, không được lên nhà, đi qua dưới máng nước hay đi qua phía sau nhà người khác. Về đến nhà trai, phải chờ thầy cúng làm phép giải hạn, đuổi tà ma và đợi đến giờ tốt mới được lên nhà.

Già làng Đặng Văn Quý nói, sau khi đoàn đưa dâu đến nhà trai, cô dâu lại tiếp tục thay áo, bạn rể nhỏ dắt cô dâu vào nhà và làm lễ bái đường nhà trai một mình. Lúc này chú rể vẫn phải trốn vào buồng không được chạm mặt cô dâu cho đến khi mọi nghi lễ chào hỏi tổ tiên xong xuôi. Nghi lễ này không cầu kỳ phức tạp và diễn ra rất nhanh.



Cô dâu làm lễ bái đường.

 Sau khi kết thúc, cô dâu, chú rể, phù rể, phù dâu gặp nhau ở buồng và ăn bữa cơm tình yêu. Tất cả mọi người cùng nhau chúc đôi lứa đã nên duyên vợ chồng, hạnh phúc trăm năm, tạo nên không khí vui tươi rộn ràng.


Cô dâu theo bước về nhà chồng.

Ngày nay, mặc dù có sự giao thoa văn hóa, thế nhưng người Dao Nắc Con, xã Yên Lâm vẫn giao tiếp bằng tiếng Dao, mặc trang phục truyền thống hàng ngày. Đặc biệt, mọi nghi lễ, phong tục tập quán truyền thống vẫn không bị mai một. Tục cưới hỏi luôn được người Dao nơi đây coi trọng, giữ gìn như một nét đẹp văn hóa đặc trưng.

Theo TQĐT