Di tích kiến trúc nghệ thuật đền Bản Ba, thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa

Thứ ba, ngày 07/05/2024 - 16:09
Đã xem: 92 views

Đền Bản Ba được xây dựng vào thời Lê khoảng thế kỷ XVII –XVIII, đền thờ Đức Thánh Lượng là người có nhiều công lao với nhân dân trong vùng

Đền Bản Ba, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang là di tích lịch sử văn hóa thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.

(Đền Bản Ba được phục dựng năm 2021)

Di tích đền Bản Ba nằm ở khu đất bằng phẳng cạnh suối Làng Ba, thuộc thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà. Đền có diện tích khoảng 4.881m2, cửa đền quay hướng chính Đông, tựa lưng vào những dãy núi hùng vĩ và dòng suối Làng Ba trong mát. Ngôi đền ở trung tâm thôn, nơi có cư dân người Tày nhiều đời quần tụ, quanh năm cây cối tốt tươi, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Địa thế của đền được chọn theo thuyết phong thủy từ ngàn xưa, tức "tụ thủy, tụ phúc".

Theo nhân dân trong làng kể lại, Đền Bản Ba được xây dựng vào thời Lê khoảng thế kỷ XVII – VXIII. Đền được nhân dân xây dựng để thờ Đức Thánh Lượng là người đã có nhiều công lao giúp đỡ bà con trong bản làng; ngoài việc thờ Đức Thánh Lượng, Đền là nơi thờ Thành hoàng làng (thờ các vị nhiên thần cai quản sông núi và Thần nông), đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân quanh vùng.  

Đền được xây dựng bằng gỗ, nền lát gạch vồ được nung ở các lò gạch tại chỗ, mái đền lợp ngói. Đền trước đây là một toà nhà có kết cấu kiến trúc hình chữ đinh, gồm tòa đại bái và tòa hậu cung.

Toà đại bái là một ngôi nhà ba gian có chiều dài 9m, chiều rộng 3,5m. Nền nhà cách mặt sân khoảng 0,2m được bó nền bằng hàng gạch chỉ. Tòa Đại bái được làm theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai (mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn muộn), mái lợp ngói móc. Bộ vì của toà Đại bái được kết cấu theo kiểu kèo cầu, kẻ suốt, các bộ vì kèo được liên kết với nhau bằng hệ thống xà. Các cấu kiện kiến trúc được tạo tác đơn giản bào trơn soi vỏ măng. Công năng chủ yếu của toà Đại bái là nơi dùng để nghỉ ngơi và chuẩn bị hành lễ mỗi khi đền vào hội.

Liên kết với toà Đại bái là toà Hậu cung có một ban thờ nhỏ thờ Thánh mẫu (tức là mẹ Đức Thánh Lượng). Ban thờ được xây bằng gạch cao khoảng 2m, cửa xây vòm cung, bên trong được trang trí khá tinh tế và lộng lẫy, bên trên đặt nhang án, lư hương và các đồ tế tự.

Toà hậu cung được nối với toà đại bái, là ngôi nhà được xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói móc, xung quanh được xây bít bằng gạch chỉ. Tòa hậu cung có kích thước: dài 4m, rộng 3m. Đây là đơn nguyên kiến trúc chính của ngôi đền nơi đặt hương án và bài vị của Thần Núi và Thần nông.

Ngoài cùng là nơi đặt nhang án, hương án được làm bằng gỗ, sơn son, có chiều dài 1,5m, chiều rộng 0,8m và chiều cao 1,2m. Bên trên có đặt bát hương cỡ lớn bằng gốm men trắng vẽ lam hình rồng chầu mặt trời, và bản đọc sắc văn bằng gỗ sơn son cùng lọ hoa, cây đèn.

Phía dưới là bức y môn bằng vải màu đỏ có thêu hoa văn hình rồng chầu mặt nguyệt, có tua rua rủ xuống làm cho không gian của tòa hậu cung thêm thâm nghiêm - nơi các đấng thần linh ngự trị.

Phía trong cùng của tòa hậu cung là nơi đặt long ngai và bài vị của Đức Thánh Lượng. Long ngai được làm bằng gỗ vàng tâm, sơn son thếp vàng, chạm khắc rất tinh tế với các chủ đề về tứ linh, tứ quý rất sinh động.

Các cấu kiện kiến trúc trên đền chỉ là kiểu kèo kẻ gỗ, đỡ các hệ thống kèo kẻ này là các cột gỗ chịu lực chính được kê trên các tảng kê chân cột đá xanh. Tất cả kiến trúc của đền đặt trong khung cảnh của núi rừng xanh mướt, xung quanh là những bóng cây cổ thụ lâu năm tạo cho đền có một không gian đẹp đẽ với khách hành hương, vừa là chốn linh thiêng nơi có thánh thần ngự trị.

Do tác động của nhiều yếu tố, ngôi đền đã bị hỏng hoàn toàn chỉ còn lại địa điểm. Đến khoảng trước năm 1965, nhân dân địa phương đã dựng lại ngôi đền bằng tranh, tre, nứa lá. Trận lũ lịch sử năm 2002, ngôi đền bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Sau đó được nhân dân trong làng dựng lại bằng cột gỗ tạm.

Năm 2021, đền Bản Ba được phục dựng trên nền đất cũ, cửa đền quay về hướng chính Đông. Đền có 3 gian, 1 hậu cung xây bằng gạch, mái lợp ngói đỏ. Bên trái đền có một ngôi miếu nhỏ xây bằng gạch thờ mẹ Đức Thánh Lượng.

Hàng năm tại đền Bản Ba, nhân dân địa phương thường tổ chức nhiều ngày lễ mang tính truyền thống để cầu mong dân khang vật thịnh, mùa màng bội thu. Các ngày rằm mồng 1, 14, 15 hàng tháng nhân dân trong vùng đều sắm sửa lễ vật dâng lên đền tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh. Đặc biệt, hàng năm vào ngày 04 tháng 01 (âm lịch), tại đền Bản Ba, đồng bào Tày xã Trung Hà mở lễ hội Lồng Tông để cảm tạ Thành hoàng làng và tạ ơn Thần nông đã phù hộ cho dân làng một mùa làm ăn tốt đẹp. Đây là lễ hội đã được lưu truyền từ lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần và xã hội của người Tày nói chung và người dân xã Trung Hà nói riêng.

Trải qua lịch sử hơn 300 năm với nhiều lần trùng tu, tu sửa, xây mới nhưng sự linh thiêng vốn có của ngôi đền Bản Ba vẫn còn trường tồn mãi mãi cùng thời gian. Gắn bó với lịch sử và thiên nhiên của vùng đất Bản Ba, Trung Hà, đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân nơi miền sơn cước, thể hiện khát vọng truyền đời của cư dân nông nghiệp lúa nước nhờ siêu lực của các vị nhân thần và nhiên thần mà ban cho cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, dân khang vật thịnh.

Ngày 16/10/2023 đền Bản Ba, xã Trung Hà được UBND tỉnh xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh tại Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 16/10/2023.

Minh Thao