Nhắc đến Chiêm Hoá du khách không thể bỏ qua 6 điểm du lịch hấp dẫn sau:
1. Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình
Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình thuộc thôn Bó Củng, xã Kim Bình, là quần thể gồm 23 di tích ghi nhận các sự kiện lịch sử: nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (từ ngày 11 đến 19/2/1951), Đây là Đại hội đầu tiên của Đảng ta được tổ chức ở trong nước và là Đại hội duy nhất hiện nay được tổ chức ở một địa phương ngoài Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã quyết định một số vấn đề quan trọng như: Hoàn thiện đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam, thông qua chính cương, điều lệ sửa đổi của Đảng, bầu Ban chấp hành Trung ương mới, đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư Đảng. Cũng tại Hội trường diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, còn diễn ta Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt (từ ngày 03 đến ngày 07/3/1951); Đại hội toàn quốc các chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất (ngày 01/5/1952).
Tháng 6/1991, di tích lịch sử Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Ngày 22/12/2016 được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
2. Điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba
Điểm du lịch sinh thái thác Bản Ba là điểm đến hấp dẫn du khách nhờ sở hữu cảnh quan thiên nhiên xanh mát với các hoạt động ngoài trời thú vị như cắm trại, chèo SUP, trekking,… Nằm trong khuôn viên điểm du lịch, danh thắng Quốc gia thác Bản Ba gồm các chuỗi thác liên hoàn với 3 tầng lớn, gồm: Tát Củm, Tát Cao, Tát Gió, cùng lúc đổ nước thẳng đứng từ độ cao hàng chục mét xuống lòng thác và có nhiều thác nhỏ xung quanh.
Tầng thác thứ nhất – Tát Củm được đánh giá là có dáng vẻ hùng vĩ và thơ mộng nhất. Khu vực chân thác thường được người dân địa phương gọi là "Vực rồng" vì có vách đá giống như hình rồng cuốn và có mạch nước ngầm phun ra giống như hình ảnh con rồng phun nước.
Tầng thác thứ hai là Tát Cao, phân chia thành hai nhánh đổ xuống, tựa như hai dải lụa trắng uốn lượn giữa núi rừng. Dưới chân thác có một vực nước trong xanh được gọi là “vực quyên". Đây là nơi lý tưởng để du khách trải nghiệm và thư giãn trên những phiến đá có hình thù độc đáo.
Tầng cuối cùng là Tát Gió chảy dọc theo những phiến đá vôi xuống vực sâu có tên gọi là "Vực Linh" (vực linh thiêng). Tại tầng thác này, du khách có thể đắm mình xuống dòng nước xanh mát, lắng nghe âm thanh của dòng thác đổ và tiếng hót từ các loài chim rừng...
3. Làng văn hoá du lịch Bản Ba, xã Trung Hà
Làng văn hoá du lịch Bản Ba, xã Trung Hà là nơi sinh sống của các dân tộc Tày, Dao, Mông, nơi còn lưu giữ bản sắc văn hoá truyền thống độc đáo với ẩm thực phong phú, văn hoá truyền thống được bảo tồn hát then, đàn tính, hát páo dung, múa màng; đặc biệt vào dịp dầu năm mới sẽ được tham dự lễ Nhảy lửa của dân tộc Dao đỏ, Lễ hội Lồng Tông dân tộc Tày; vào đầu tháng 10 sẽ được tham dự Lễ hội giã cốm và thưởng thức các món ăn từ cốm của dân tộc Tày.
Ngoài ra du khách còn được tham quan bản làng Bản Ba nơi còn lưu giữ nhiều nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày; tham quan không gian văn hoá dân tộc Dao và trải nghiệm thêu tay của dân tộc Dao đỏ; được tham gia các hoạt động lao động sản xuất, chế biết nông sản, ẩm thực, chơi các trò chơi dân gian truyền thống như đánh yến, đánh bàm, kéo co, đi kà kheo, gõ mõ của dân tộc Tày, đánh quay của dân tộc Mông tại các Homestay.
Đến đây du khách tham quan đền Bản Ba nơi thờ Đức Thánh Lượng là người đã có nhiều công lao giúp đỡ bà con trong bản làng
4. Danh thắng Quốc gia Thác Lụa
Thác Lụa nằm trong khu rừng đặc dụng thôn Thác Lụa, xã Hòa Phú. Thác được tạo bởi 3 tầng thác chính và các tầng thác nhỏ mềm mại như dải lụa trắng giữa rừng nguyên sinh; đến đây du khách được trải nghiệm leo thác, khám phá rừng nguyên sinh với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
5. Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên
Là ngôi chùa cổ nhất Tuyên Quang được dựng vào năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông (Càn Đức), chùa thờ phụng đức Phật tổ, tổ tiên và Lý Nhân Tông. Tại đây còn lưu giữ một hiện vật rất quý thời Lý đó là tấm bia đá được tạc bằng đá xanh nguyên khối, tấm bia được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013 và năm 2023 chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là di tích khảo cổ cấp Quốc gia.
6. Đền Bách Thần
Nằm ngay trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc, Đền Bách Thần là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đền thờ Tam phủ công đồng cùng các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ mẫu, đặc biệt là thờ tướng quân Ma Doãn Giảo người con của quê hương Chiêm Hóa có công giúp dân đánh giặc "Cờ đen" vào khoảng cuối thế kỷ XIX; đền Bách Thần gắn với Lễ hội Lồng Tông mồng 8 tháng giêng (âm lịch) hàng năm, là biểu tượng cho nét văn hoá tâm linh của nhân dân các dân tộc huyện Chiêm Hoá.
Với những điểm du lịch độc đáo và phong phú, Chiêm Hoá hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ và sâu sắc.