Không gian giới thiệu, trải nghiệm may, thêu truyền thống dân tộc Dao đỏ Kềm Miền Sí, thôn Bản Ba 2, xã Trung Hà

Thứ tư, ngày 16/10/2024 - 10:41
Đã xem: 741 views

Huyện Chiêm Hoá xây dựng không gian giới thiệu, trải nghiệm nghề thủ công truyền thống thêu, may trang phục dân tộc Dao đỏ tại Làng Văn hoá du lịch Bản Ba xã Trung Hà nhằm quảng bá giá trị văn hoá truyền thống với tư cách là một sản phẩm du lịch đặc sắc của Làng văn hoá du lịch Bản Ba tới nhân dân và du khách.

(Gia đình ông Bàn Giào Sơn bên Không gian trải nghiệm thêu, may trang phục truyền thống Kềm Miền Sí)

Nghề thêu truyền thống của dân tộc Dao đỏ ở thôn Bản Ba, xã Trung Hà có từ lâu đời, được cộng đồng người Dao coi trọng và được xem như một tiêu chí cơ bản để nhận biết những người phụ nữ chăm chỉ, khéo léo. Phụ nữ Dao đỏ luôn cần mẫn với những kỹ thuật thêu thùa các hoa văn như: chữ vạn, chữ đinh, chữ công, cây thông, hình con chim, con người… tất cả các hoạ tiết hoàn toàn dựa vào trí nhớ và thêu ở mặt trái của mặt vải nhưng hoa văn lại nổi lên trên mặt phải. Do đó đòi hỏi người thêu phải kiên trì, chính xác nếu sơ ý nhầm một mũi thêu sẽ sai lệch cả dải hoa văn. Nghề thêu của người Dao đỏ có hai kỹ thuật chính là thêu lát và thêu chéo mũi; ngoài ra còn có thêu luồn sợi, giấu chỉ rất khéo nhờ đó chỉ thừa không thấy ở cả hai mặt vải; các họa tiết hoa văn được chuyển biến phong phú, đa dạng, kết hợp với các ô hình quả trám, hình tam giác, các đường viền gấp khúc, lúc thẳng đứng, lúc nằm ngang tạo ra hoa văn trang trí nhịp nhàng, linh hoạt; màu sắc được dùng nhiều trong chắp vải và thêu thổ cẩm của người Dao đỏ là màu trắng, đỏ tươi, đỏ thẫm, vàng nâu, xanh lá cây, xanh lam. 

Cũng như các dân tộc khác, hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ không chỉ đẹp mà còn truyền tải những bản sắc văn hoá độc đáo và mong muốn của người Dao đỏ trong cuộc sống sinh hoạt; đường nét hoa văn luôn chứa đựng quan niệm, ý nghĩa và giá trị văn hóa sâu sắc; trang phục người Dao đỏ mang vẻ đẹp rực rỡ, cầu kỳ bao gồm khăn, mũ, áo, quần, thắt lưng và xà cạp quấn chân, giầy dép lại có kiểu thêu trang trí riêng. Để tạo thành bộ trang phục đẹp phải có 5 màu cơ bản, nhưng chủ đạo vẫn là màu đỏ, vì thế qua trang phục rất dễ nhận ra người Dao đỏ; những quả bông đỏ trên mũ, những sợi tua nhiều màu sắc tượng trưng cho cầu vồng ngăn thần rắn, ngăn ma ở thế giới nước, âm phủ; kỹ thuật thêu thoáng để lộ nền đen, nền chàm với hoa văn tám cánh trong đó hình vuông ở giữa tượng trưng cho đất mẹ, tám cánh ở ngoài là biến thể của mặt trời; kèm theo là hình cây thông, hình chim, hình cỏ cây, hình người, chân hổ…; trên khăn của nữ ngoài hoa văn tám cánh ở giữa tượng trưng cho trời đất, xung quanh bao giờ cũng có các đốm trắng là những quả trứng tượng trưng cho bảo tồn giống nòi. Trên gấu quần người Dao đỏ thường thêu hoa văn cây thông 2, 3 tán (sổng bẹ), đây là loại cây thân thuộc với con người, cho bóng mắt, điều hòa khí hậu, cho gỗ làm nhà và làm đồ gia dụng; vì vậy người Dao thêu hoa văn này để phản ánh sự gắn bó của mình với môi trường sinh sống; cùng với hoa văn, dễ cây thông (sủng pé dáu) là biểu tượng cho sự bền vững, chắc chẵn vì rễ hút nước, khoáng chất nuoi sống cây từ đó người Dao liên tưởng dến một gia đình luôn có người làm trụ cột và nền tảng. Hoa văn mười cái vược (chiểm nom nhắt) được thêu ở phần đai từ cổ áo xuống thân làm khuy áo, biểu tượng cho những vì sao soi sáng đường đi trong đêm tối.

Phụ nữ Dao đỏ thường tự cắt, khâu trang phục truyền thống cho mình, trang phục của phụ nữ được thêu, trang trí rất cầu kỳ, màu đỏ là mầu chủ đạo trên trang phục, vì theo quan niệm của người Dao đỏ màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người. Trang phục truyền thống nữ gồm hai loại: thường phục và lễ phục; bộ thường phục gồm có: áo dài, yếm (hay còn gọi là áo bé), quần, khăn vấn đầu, khăn đội đầu, thắt lưng. Bộ lễ phục được trang trí như bộ thường phục, riêng bộ lễ phục cô dâu mặc trong ngày cưới có thêm khăn chùm đầu và tạp dề, cùng với bộ trang phục chính, phụ nữ Dao Đỏ còn ưa dùng đồ trang sức làm cho bộ trang phục của mình thêm tươi sáng, sang trọng. Bộ nam phục gồm có áo, quần, khăn vấn đầu. Nhìn chung trang phục nam giới tương đối giản dị về màu sắc, cách tạo hình, kiểu cách, phần trang trí chủ yếu trên áo và khăn vấn đầu; trang phục trả em gồm áo, quần, mũ được cắt khâu, trang trí như áo quần người lớn nhưng hoa văn ít hơn.

Với những giá trị văn hoá truyền thống độc đáo, năm 2019 nghệ thuật trang trí lên trang phục của người Dao đỏ ở Tuyên Quang đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Thực hiện công tác phát triển du lịch tại Làng văn hoá du lịch Bản Ba, năm 2023 huyện Chiêm Hoá đã xây dựng Không gian trải nghiệm may thêu truyền thống dân tộc Dao đỏ Kềm Miền Sí góp phần quảng bá, giới thiệu đến người dân và du khách tìm hiểu và trải nghiệm kỹ thuật thêu hoa văn trên vải, kỹ thuật may ghép vải trên trang phục truyền thống. Không gian gồm: Không gian giới thiệu nghề thêu truyền thống, không gian may trang phục, gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm thủ công truyền thống, không gian thưởng thức trà thảo mộc của đồng bào dân tộc Dao đỏ.

Không gian còn có các dịch vụ: Thuê trang phục truyền thống, dịch vụ trải nghiệm thêu, may trang phục, bán hàng thủ công, trà thảo mộc, trình diễn nghề thêu, may trang phục truyền thống, giúp du khách có những trải nghiệm theo ý muốn.

Một số hình ảnh tại không gian trải nghiệm:

(may ghép vải trang phục truyền thống dân tộc Dao đỏ)

(Du khách trải nghiệm dịch vụ tại không gian)

Minh Thao